Một trong những ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, được công nhận bởi Hiến Pháp là tiếng Anh, sử dụng trong văn bản chính phủ, truyền thông, khoa học và giáo dục.
Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ. Ảnh: Getty |
Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Ấn Độ
Tiếng Anh thế giới được phân loại thành 3 loại: tiếng Anh như một ngôn ngữ bản địa (ENL), tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL) và tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL). Tương ứng với cách phân chia trên, cũng có 3 cách phân chia địa lý của các quốc gia nói tiếng Anh là lãnh thổ ENL, lãnh thổ ESL và lãnh thổ EFL.
Lãnh thổ của ENL ở các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên hoặc thường là ngôn ngữ duy nhất của người dân. Trong lãnh thổ ENL, mọi người sử dụng tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh.
Lãnh thổ ESL – nơi mà Tiếng Anh đóng một vai trò vô cùng quan trọng và được sử dụng để thực hiện trong nhiều tình huống chính thức như văn bản pháp luật, truyền thông, trong khoa học và giáo dục... Đối với những người nói tiếng Anh ở các lãnh thổ này, mặc dù tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng nó là một ngôn ngữ quan trọng trong cuộc sống chuyên nghiệp và xã hội của họ. Ở các nước ESL, tiếng Anh là bắt buộc trong khuôn khổ giáo dục quốc gia và được dạy trong các trường học.
Lãnh thổ EFL - Ở một số quốc gia, tiếng Anh không phải ngôn ngữ bản địa cũng không phải ngôn ngữ thứ hai. Nó được coi là ngoại ngữ và việc sử dụng nó được giới hạn trong các mục đích nghề nghiệp và giáo dục. Ở các nước như Trung Quốc và Nhật Bản, tiếng Anh được dạy và học chủ yếu vì lý do thương mại và kinh doanh, không đóng vai trò nào trong các tương tác xã hội.
Ấn Độ có hai ngôn ngữ quốc gia cho mục đích hành chính trung tâm: Tiếng Hindi và tiếng Anh. Tiếng Hindi là ngôn ngữ liên kết quốc gia, chính thức và tiếng mẹ đẻ của đa số người Ấn Độ. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức liên kết. Hiến pháp Ấn Độ phê chuẩn tới 22 ngôn ngữ khu vực cho các mục đích chính thức.
Hàng chục ngôn ngữ khu vực khác nhau được nói ở Ấn Độ, có nhiều đặc điểm như cấu trúc ngữ pháp và từ vựng. Ngoài những ngôn ngữ này, tiếng Hindi được sử dụng để giao tiếp ở Ấn Độ. Quê hương của tiếng Hindi chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nhưng cũng được nói và hiểu rộng rãi ở tất cả các trung tâm đô thị của đất nước. Tại các bang miền Nam Ấn Độ, nơi mọi người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau không liên quan nhiều đến tiếng Hindi cho phép tiếng Anh trở nên phổ biến hơn.
Lịch sử phát triển của tiếng Anh ở Ấn Độ
Phát hiện của Vasco da Gama về tuyến đường biển đến Ấn Độ cũng mở đường cho việc giới thiệu tiếng Anh ở tiểu lục địa từ năm 1498. Tuy nhiên, chỉ đến thế kỷ 18, khi Đế quốc Mughal bị suy yếu và Công ty Đông Ấn Anh đã bảo đảm một chỗ đứng ở Ấn Độ thì tiếng Anh mới thực sự có ảnh hưởng sâu rộng ở quốc gia Nam Á này.. Trong thời gian đó, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp của những người ưu tú nhưng không phải là ngôn ngữ chung của người dân.
Với việc củng cố các hoạt động của Công ty Đông Ấn vào thế kỷ thứ 18, bắt đầu có những nỗ lực giảng dạy tiếng Anh ở Ấn Độ. Từ năm 1759, các nhà truyền giáo Ki tô giáo đã hoan nghênh những nỗ lực của Mục sư Swartz thành lập các trường dạy tiếng Anh. Một nỗ lực đáng kể khác là việc xuất bản cuốn sách đầu tiên mang tên “Người dạy kèm”, để dạy tiếng Anh cho các đối tượng không phải người châu Âu được soạn thảo bởi tác giả John Miller năm 1797. Cuốn sách này được xuất bản ở Serampore, Bengal. Vì vậy, giai đoạn lịch sử xã hội cho vai trò của tiếng Anh trong giáo dục Ấn Độ được thiết lập vào cuối thế kỷ 18.
T.B. Macaulay, trong Biên bản năm 1835, lần đầu tiên đã chính thức giới thiệu việc giảng dạy tiếng Anh ở tiểu lục địa Nam Á. Trong Biên bản của mình, ông đề cập đến tầm quan trọng và tính hữu ích của giáo dục đối với người bản địa thông qua tiếng Anh. Có hai mục tiêu chính: Thông qua giáo dục ngôn ngữ để tạo ra một lớp người bản địa sử dụng tiếng Anh trong văn hóa để "giao tiếp" với tầng lớp cai trị (giống như“người phiên dịch”); Thứ hai là tạo ra một khu vực thúc đẩy truyền bá văn hóa châu Âu. Mặc dù cả hai mục tiêu đều được thiết kế để phục vụ cho tầng lớp tri thức nhưng nó đã cung cấp khung giáo dục tiếng Anh chính thức cho Ấn Độ.
Vì vậy, vào giữa thế kỷ 19, mục tiêu của việc dạy tiếng Anh đã được trình bày rất rõ ràng ở Ấn Độ. Trong giai đoạn thực dân, có một vài điểm mốc đánh dấu sự phát triển của tiếng Anh Ấn như: Thành lập các trường đại học ở Kolkata, Mumbai và Chennai vào năm 1857 và tại Dhaka vào năm 1920; Giáo dục chọn lọc và đào tạo về quản trị, truyền đạt thông tin qua tiếng Anh, Đạo luật Đại học Ấn Độ (1904); Nghị quyết về chính sách giáo dục (1913).
Tiếng Anh cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ khi nó trở thành ngôn ngữ của sự thức tỉnh và hồi sinh chính trị. Ngay cả Mohandas K. Gandhi (1869-1948) - một người ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng ngôn ngữ quốc gia cũng sử dụng tiếng Anh để truyền thông điệp đến Chính phủ Anh.
Ngày nay tiếng Anh được khoảng 35 triệu người Ấn Độ sử dụng. Ảnh: BBC |
Thế kỷ 20 đã chứng kiến những tiến bộ lớn trong khoa học và công nghệ. Điều này cho phép xã hội xuất hiện nhiều cách chia sẻ thông tin và kinh doanh mới. Các hoạt động thương mại quốc tế của Ấn Độ đã dẫn đến nhu cầu học hỏi, phát triển trình độ tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế. Giờ đây, tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ của các quản trị viên và các nhà hoạch định chính sách mà còn trở thành ngôn ngữ của doanh nghiệp và tầng lớp chuyên nghiệp.
Ở Ấn Độ, dân số nói tiếng Anh chỉ khoảng 3-4% (khoảng 35 triệu người). Xét về số lượng người nói tiếng Anh, tiểu lục địa Ấn Độ đứng thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Vương quốc Anh. Tại đây, tiếng Anh hoạt động như một ngôn ngữ liên kết giữa những người có phương ngữ khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, tiếng Anh đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tập hợp mọi người từ các ngôn ngữ khác nhau trong khu vực để trao đổi gần gũi hơn về xã hội, giáo dục và hành chính của đất nước. Có thể nói, tiếng Anh là công cụ ngôn ngữ tạo sự gắn kết hành chính cho Ấn Độ.
Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Ấn Độ
Tiếng Anh được dạy như một ngôn ngữ thứ hai ở tất cả các giai đoạn giáo dục, trong tất cả các bang của Ấn Độ và đã được chấp nhận là ngôn ngữ giảng dạy chính trong giáo dục đại học. Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chính thức của người dân tại 2 bang ở miền Đông Ấn Độ, Meghalaya và Nagaland.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố xã hội, chính trị và văn hóa khác nhau ảnh hưởng đến vị trí của tiếng Anh trong các hội đồng, trường đại học và các tổ chức ở Ấn Độ. Ngay cả khi chương trình giảng dạy được cung cấp và công cụ đánh giá được sử dụng rất đa dạng trên toàn quốc, mô hình dạy và học tiếng Anh đở Ấn Độ vẫn bị đánh giá là thiếu tính đồng nhất. Đó cũng là thách thức đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạch định giáo dục.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Ukessays, Thoughtco, Quora, Bl)