Theo quy định hiện hành, nếu mang viên đạn theo bên người khi bị cơ quan chức năng kiểm tra thì tùy viên đạn thật hay giả, viên đạn còn nguyên hay chỉ là vỏ đạn thì sẽ có nhiều mức độ xử lý tương ứng.
Thông tin từ nhà chức trách hàng không cho hay, trong khi làm thủ tục soi chiếu hành lý tại sảnh B, ga quốc nội đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nhân viên an ninh hàng không sân bay đã phát hiện trong hành lý hành khách Đ.M.H. (SN 1982, thường trú tại Đắk Lắk) mang theo 20 viên đạn còn nguyên hạt nổ.
Đáng nói, hành khách Đ.M.H. đã chối và cho rằng “không biết về số đạn trên và cũng không hiểu ai đã bỏ vào túi của mình” đồng thời nhấn mạnh “biết rõ về quy định hàng quốc cấm không được vận chuyển, sử dụng". Vụ việc sau đó được bàn giao cho đồn Công an Tân Sơn Nhất điều tra, làm rõ.
Một hành khách định mang 20 viên đạn còn hạt nổ lên máy bay. Ảnh minh họa |
Mới đây, an ninh sân bay Cát Bi, Hải Phòng cũng đã phát hiện trong hành lý xách tay của hành khách V.Đ.T. dự kiến đi chuyến bay từ Hải Phòng đi Phú Quốc có một khẩu súng ngắn bằng kim loại và một hộp tiếp đạn bằng kim loại tháo rời, bên trong có 3 viên đạn.
Để tìm hiểu rõ mức xử lý đối với hành vi tàng trữ đạn, súng... chuyên mục “Thử tài tranh tụng” xin giới thiệu bài viết của luật gia Nguyễn Ánh Hồng – Thạc sĩ luật Hình sự, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm phải xử phạt thật nghiêm để răn đe.
Theo quy định hiện hành, nếu mang viên đạn theo bên người khi bị cơ quan chức năng kiểm tra thì tùy viên đạn thật hay giả, viên đạn còn nguyên hay chỉ là vỏ đạn thì sẽ có nhiều mức độ xử lý tương ứng. Nếu chỉ là vỏ đạn không gây nổ, không có khả năng gây nguy hiểm thì sẽ không bị xem là vi phạm.
Nếu là đạn thật thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ khác nhau. Theo quy định, nếu viên đạn còn nguyên thì cũng chưa được gọi là vũ khí quân dụng nhưng được gọi là vật liệu nổ bởi còn thuốc, có thể gây nổ nguy hiểm.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 305, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Theo mức độ gây hậu quả nghiêm trọng (số lượng, thiệt hại về người, tài sản lớn) mới bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 1-5 năm, 3-10 năm, 7-15 năm, 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Nếu là viên đạn còn nguyên nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân, tổ chức mua hay sử dụng công cụ hỗ trợ phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép. Những hành vi vi phạm quy định về sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả, sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.
Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 52