(ĐSPL) - Nghi vợ sắp cưới có quan hệ tình ái với người đàn ông khác, Hải lao tới tát rồi lôi chị Dịu vào phòng tắm xối nước lên mặt.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 8/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử Phạm Bá Hải (SN 1983, trú ở xã Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình) về tội “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 3, Điều 104-BLHS. Bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Việt Dũng (cũng SN 1983), trú ở quận Long Biên, Hà Nội.
Phạm Bá Hải tại phiên tòa xét xử - Ảnh: báo ANTĐ |
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, theo nội dung vụ án, Hải và chị Dịu (33 tuổi) chung sống với nhau như vợ chồng tại quận Long Biên.
Tối 3/2/2015, Hải thấy chị Dịu nói chuyện điện thoại với người đàn ông tên Dũng. Nghi vợ sắp cưới có quan hệ tình ái với người đàn ông khác, Hải lao tới tát rồi lôi chị Dịu vào phòng tắm xối nước lên mặt.
Không nghe giải thích của chị Dịu, Hải bắt người phụ nữ này gọi điện cho anh Dũng. Nghe cuộc điện thoại “cứu em với”, anh Dũng tìm đến phòng trọ.
Cửa phòng bật mở, Dũng cầm gạch ném Hải, nhưng bị đối phương vung dao chém nhiều nhát, gục tại chỗ, tổn hại 66,8% sức khỏe
Cũng theo báo An ninh thủ đô, tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại cùng luật sư tiếp tục giữ nguyên các nội dung kháng cáo với đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy bản bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu theo hướng Hải phạm tội “Giết người” chứ không phải tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngoài ra, theo bị hại trong lúc bị xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, anh Dũng bị mất nhẫn vàng, nhẫn bạc, ví da (bên trong có 160.000 đồng) và điện thoại nên cần buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại tương ứng đối với những tài sản này.
Dù vậy giữ quyền công tố tại phiên xử, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng đề nghị của bị hại cùng luật sư là không có căn cứ để chấp nhận. Bởi hành vi của bị cáo không cấu thành tội “Giết người". Căn cứ rõ nhất là ngay sau khi gây án, bị cáo đã bảo chị Dịu gọi người đưa anh Dũng đi cấp cứu.
Về những tài sản bị mất, đại diện VKS cũng khẳng định quá trình điều tra bổ sung cho thấy, không có bằng chứng nào chứng minh bị cáo chiếm đoạt các tài sản nêu trên của bị hại. Mặt khác, cũng không có cơ sở vững chắc về việc bị hại bị mất nhẫn vàng, nhẫn bạc, điện thoại và ví da. Do đó, không chấp nhận yêu cầu của anh Dũng buộc bị cáo phải bồi thường.
Từ diễn biến vụ án như nêu trên nên sau nửa ngày làm việc, HĐXX phúc thẩm đánh giá bị cáo không phạm tội “Giết người” như luật sư bảo vệ bị hại nhìn nhận mà chỉ có cơ sở xác định bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, hình phạt áp dụng đối với bị cáo tại cấp tòa sơ thẩm có phần chưa tương xứng.
Vì những phân tích đưa ra, TAND TP Hà Nội đi đến quyết định tăng nặng hình phạt đối với Phạm Bá Hải từ 7 năm 6 tháng tù lên 8 năm 6 tháng tù, theo đúng tội danh mà TAND quận Long Biên đã xác định. Về các tài sản anh Dũng bị mất mát, HĐXX cũng khẳng định cấp tòa sơ thẩm không giải quyết ở vụ án này là phù hợp với quy định pháp luật.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)