(ĐSPL) - “Nhà chúng tôi là nhà mới mà nứt nẻ ra hết, cứ lo sụp mất, với lại cũng rất lo lắng về các tai nạn liên quan đến mỏ đá”, hộ dân sống quanh khu vực mỏ đá than thở.
Người dân lo lắng khi nhà có hiện tượng nứt nẻ do nổ mìn mỏ đá. |
Người dân sống quanh khu vực tận thu đá của Công ty Đ.B. thuộc ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thời gian qua sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi công ty nổ đá. Bởi chấn động mỗi khi đá nổ là rất lớn khiến dân phải giật mình, đất rung lên.
Anh G. một hộ dân sống cách vị trí tận thu đá chừng 100m cho biết mỗi khi công ty nổ mìn bắn đá thì nhà anh lại rung lên dữ dội. Anh G. cho biết mặc dù nhà anh mới xây xong và mới dọn đến ở không lâu nhưng từ khi công ty Đ.B nổ mìn khai thác đá thì nhà bị nứt và vết nứt ngày càng nhiều. Trong khi nhà anh là nhà xây hai tấm kiên cố, tường dày nhưng nổ xong lần đầu tiên là vết nứt hiện ra mỗi ngày mỗi nhiều.
Tường nhà anh G. nứt nẻ mạnh. |
Anh G. kể lại, ngày đầu tiên nổ mìn thì đá văng tung tóe lên khắp mái nhà. Đến nỗi lúc đó thợ hồ đang xây phải tháo chạy tán loạn để tránh đá văng trúng vào. Sau này mỗi lần nổ mìn thì đá không văng nữa nhưng nhà vẫn rung mạnh.
Sau đó, anh G. phản ánh lên công ty thì ban đầu công ty khai thác đá nói sẽ đền bù sửa chữa nhưng sau đó lại không đồng ý vì cho rằng nhà anh bị nứt là do xây dựng kém chất lượng chứ không phải do nổ mìn phá đá.
Ngoài ra lúc gia đình anh mới chuyển đến ở thì nước giếng trong veo nhưng kể từ khi diễn ra việc nổ mìn bắn đá thì xuất hiện tượng nước giếng bị đục. Lần đầu nổ mìn nước giếng đục mất một ngày, những lần sau đục mất 4-5 tiếng có khi hơn nửa ngày, nước không thể dùng được.
Anh G. than thở: “Lần đầu tiên họ nói nổ ba tấn nhưng tôi ước chừng họ cho nổ loại năm tấn. Khi nổ thì nhà cửa rung lên bần bật. Sau lần nổ mìn này nhà tôi nứt nẻ hết, tường phòng khách, phòng ngủ, nhà tắm, gác xép nứt không chừa chỗ nào.
Tôi có làm đơn kêu cứu nên phía công ty có cử người đến nhà tôi làm công tác tư tưởng và hứa hẹn là hỗ trợ sửa chữa nhà cho chúng tôi nhưng sau đó thì im lặng luôn vì họ cho rằng nhà tôi nứt là do xây dựng chứ không phải do ảnh hưởng từ việc nổ mìn bắn đá.
Trong khi đó mặc dù nhà tôi xây cấp cấp bốn nhưng xây tường hai mươi nên cũng rất kiên cố. Bây giờ mới khai thác mà đã như vậy, hậu quả đã nặng lắm. Không biết khai thác trong vòng mười năm thì dân chúng tôi ở đây có mà khổ lắm, có khi sụp mất nhà.
Chúng tôi chỉ mong đại diện mỏ đá có các biện pháp hỗ trợ cho người dân chúng tôi an tâm hơn. Bỏ ra mấy trăm triệu xây cái nhà, vậy mà mới ở có vài tháng mà nhìn đâu cũng thấy vết nứt, đau đứt ruột, tiếc lắm. Tiền xây nhà đâu phải của mình cả đâu mà phải vay mượn nhiều người nữa mới đủ”, anh G. nói.
Ghi nhận thực tế chúng tôi nhận thấy nhà anh G. từ phòng khách, nhà tắm, phòng ngủ, gác đều bị nứt, có gần 20 vết nứt trong nhà, có những lỗ nứt không thể vá được vì quá lớn.
Còn gia đình chị N.T.D gần đó ũng không thoát khỏi cảnh này. Chị kể: “Nhà tôi xây xong mới ở được một tháng thì đúng việc tận thu đá diễn ra. Lần đầu tiên diễn ra việc nổ mìn bắn đá là lúc tôi đang phơi đồ ở ngoài sân. Lúc đó tôi nghe một tiếng nổ vang trời rồi mặt đất rung lên bần bật. Tôi cứ tưởng là động đất.
Nhưng sau đó nhìn vào sân bay thấy đất, đá và bụi bốc lên cao thì mới biết là người ta nổ mìn khai thác đá. Sau đó, phát hiện tường nhà bị nứt. Vợ chồng tôi lúc đầu cứ nghĩ là do thi công kém, nhưng cứ mỗi lần mìn nổ là nhà lại nứt toác ra nên mới biết do mìn nổ.
Nhà chị D. như nhà chắp vá, chằng chịt những vết nứt. |
Hiện tại sống trong nhà mới mà bên ngoài thì như “áo vá”, mỗi vệt nứt ra là phải dùng xi măng vá lại. Nhà ở chưa ở mới được hơn 3 tháng mà đã thế, không biết thời gian sau thì như thế nào. Nhà tôi tuy chỉ là nhà cấp 4 nhưng xây tường 20 rất kiên cố. Mà nhà chúng tôi vậy nứt cũng đúng vì có căn biệt thự ngoài kia còn nứt nữa là nhà cấp 4 thì trụ sao nổi”.
Nhà chị D. còn bị nặng hơn nhà anh G., tường nhà chắp vá chằng chịt khiến cho không ai nghĩ được nhà chị vừa ăn tân gia cách đây 3 tháng. Không chỉ anh G. chị D. mà còn rất nhiều ngôi nhà quanh khu vực này chịu cảnh nứt nẻ, ai cũng nơm nớp lo sợ nhà sụp khi nào không hay.
Bà N.T.T ngụ xã Tam Phước cũng ngán ngẩm: “Nhà gần mỏ đá bất an lắm, mỗi lần khai thác đá là thót tim, sợ đá văng vào nhà. Bụi bay mù mịt nên quanh năm suốt tháng chịu cảnh hít bụi nên cả nhà ai cũng hay ho, sổ mũi, viêm xoang nhất là mấy đứa cháu nhà tôi, vất vả lắm”.
Tai nạn thương tâm vì mỏ đá
Cũng có không ít tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến các mỏ đá, có mỏ đá đang hoạt động có mỏ đá đã khai thác xong nhưng do không được rào chắn cẩn thận nên cũng gây ra các sự việc đáng tiếc để khi mọi việc đã rồi ai cũng phải ân hận.
Ông Bông bị đá rơi bị thương ở ngực. |
Một tai nạn đuối nước đã xảy ra vào ngày 15/4/2014 khiến 2 học sinh chết đuối. Trên đường đi học về, 3 học sinh lớp 7 Trường THCS Tân An, xã Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai gồm Võ Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Công và Hoàng Văn Hiếu Nhân (cả ba cùng 13 tuổi) tới hầm đá đã ngưng khai thác của Công ty BBCC để chơi. Ngồi chơi một lúc thì Nhân về trước, còn Kiệt và Công ở lại. Khoảng 22h cùng ngày, gia đình không thấy Kiệt và Công về nên đến nhà em Nhân để hỏi thì mới biết Kiệt và Công ra hầm đá chơi.
Lúc này, gia đình đi tìm thì phát hiện ven hầm đá có quần áo và dép của 2 em. Gia đình liền báo chính quyền địa phương và thuê thợ lặn tìm kiếm. Đến khoảng 2h30p ngày 16/4, thi thể 2 em Kiệt và Công được tìm thấy.
Còn sau đó không lâu, vào ngày 21/10, trong lúc tiến hành nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá của HTX An Phát, tổ 9, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, TP Biên Hòa một viên đá đã xé mái tôn nhà dân rồi rơi trúng ngực ông Phạm Văn Bông, 51 tuổi khiến ông Bông bị thương nặng. Bà Hoàng Thị Hồng, vợ ông Bông kể lại, khoảng 11h30, vừa mới nghe tiếng còi hú báo sắp nổ mìn thì chị gọi con trai vừa mới đi học về ra đóng cửa trước nhà còn ông Bông ra đóng cửa đằng sau nhà.
Khi ông Bông vừa mới cầm cánh cửa chuẩn bị khép thì một viên đá xé mái tôn lao xuống trúng vào ngực ông Bông rồi rơi xuống nền nhà khiến ông Bông bị ngất xỉu, máu từ mũi và ngực ông bông chảy ra, mặt mày tím tái.
Còn các hộ dân ở khu vực mỏ đá Tân Cang thuộc ấp Hương Phước, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai nhiều năm nay cũng rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" vì mỏ đá. Con đường duy nhất của các hộ dân này bị xe chở đá cày nát, cộng thêm việc các xe chở đá chạy bạt mạng khiến cho một đoạn đường Đinh Quang Ân dài hơn 3km nhưng thành cung đường đen tai nạn. Đặc biệt nhiều vụ tai nạn thương tâm khiến dân bức xúc như xe ben tông chết người đàn ông bán vé số, đâm tử vong cháu học sinh 11 tuổi, tông chết công an viên xã Phước Tân,…
Được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 43 mỏ khai thác khoáng sản với diện tích gần 1 ngàn 700 héc ta. Bên cạnh đó đã có 35 mỏ hết hạn khai thác nhưng được phép tận thu và cải tạo kết hợp tận thu. Sau khai thác, các mỏ trở thành những hố sâu hoắm từ 50-60m. Việc phục hồi môi trường sau khai thác vẫn còn rất kém, dẫn đến nhiều mỏ trở thành “hố tử thần”. Ngoài ra bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh thu được khoảng 4,6 tỷ đồng/mỏ khai thác khoáng sản.