+Aa-
    Zalo

    Hàng trăm giếng nước bị ô nhiễm, hơn 2 năm vẫn loay hoay giải quyết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lâm Xa và Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đang phải sống trong cảnh nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    (ĐSPL) - Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lâm Xa và Lương Ngoại, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang phải sống trong cảnh nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, trong khi đó đã hơn 2 năm trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra phương hướng giải quyết.

    Hàng trăm giếng nước bốc mùi hôi tanh

    Hàng trăm giếng nước sinh hoạt (giếng khoan, giếng đào) của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lâm Xa và Lương Ngoại, huyện Bá Thước bỗng dưng bốc mùi hôi tanh khiến người dân vô cùng hoang mang.

    Trao đổi với phóng viên, các hộ dân cho biết: Trước đây, nguồn nước sinh hoạt từ các giếng bình thường, nhưng kể từ khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2, do Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư) tiến hành ngăn dòng, tích nước thì nguồn nước giếng bắt đầu đổi màu, có mùi rất khó chịu.

    Mới đây UBND huyện Bá Thước đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

    Chị N.T.T., một người dân ở xã Lâm Xa bức xúc: "Trước đây, những cái giếng này là nguồn nước chính để gia đình chúng tôi sinh hoạt. Ai ngờ, từ khi nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 về thực hiện thi công ngăn dòng, tích nước thì những giếng nước bắt đầu bị ô nhiễm khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Hàng ngày chúng tôi phải chạy khắp nơi để tìm nguồn nước sạch sinh hoạt, nhiều hộ còn phải mua nước sạch với giá đắt đỏ, đầu tư máy bơm, vòi cách nhà gần cả cây số".

    Trước thực tế trên, hàng trăm hộ dân đã viết đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng để được giải quyết. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, lực lượng chức năng vẫn chưa đưa ra được một hướng giải quyết thấu tình đạt lý, người dân thì vẫn phải dài cổ…chờ đợi.

    Chính quyền lúng túng trong cách xử lý

    Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, công trình thủy điện Bá Thước 2 đã ngăn đập và đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2013. Phạm vi vùng lòng hồ thuộc địa phận 8 xã: Thiết Ống, Lâm Xa, Ái Thượng, Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung, Điền Lư và Lương Ngoại.

    Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên một số giếng nước sinh hoạt của nhiều hộ dân tại các khu dân cư thuộc vùng phụ cận của lòng hồ thời gian gần đây bốc mùi hôi tanh, không sử dụng được. Cụ thể, tại xã Lâm Xa có hơn 100 giếng, xã Lương Ngoại có hơn 40 giếng.

    Giếng nước người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng từ khi thủy điện tích nước.

    Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương. Sau đó, UBND huyện Bá Thước cũng đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với UBND các xã và Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tổ chức xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm.

    Ông Võ Minh Khoa - Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Bá Thước cũng đã phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương xác định nguyên nhân gây ô nhiễm đồng thời chỉ đạo UBND các xã thuộc vùng ngập phối hợp với Trung tâm y tế huyện tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân vệ sinh khu vực giếng và xây dựng bể lọc xử lý nước.

    Sự phân hủy của các thảm thực vật khi thủy điện tích nước cũng có thể là nguyên nhân gây nguồn nước ô nhiễm.

    Gần đây nhất, ngày 10/11, UBND huyện đã chủ trì phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng công trình thuỷ điện Bá Thước 1 và 2, Công ty CP thuỷ điện Hoàng Anh Thanh Hoá, UBND các xã Lâm Xa, Lương Ngoại làm việc với các hộ gia đình bị ô nhiễm nước sinh hoạt để đưa ra phương án xử lý.

    Theo đó, phương án xử lý trước mắt là xây dựng bể lọc nước cho các hộ gia đình theo bản vẽ, thiết kế chi tiết do Trung tâm nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên các hộ dân không thống nhất với phương án trên và đề nghị hỗ trợ kinh phí để các hộ dân tự khoan giếng. Về việc này do vượt quá thẩm quyền nên vào ngày 14/11 vừa qua, UBND huyện Bá Thước cũng đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Thanh Hoá xin ý kiến chỉ đạo theo hướng hỗ trợ kinh phí khoan giếng cho các hộ dân. Tuy nhiên đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có văn bản chỉ đạo để ủy ban huyện Bá Thước triển khai thực hiện.  

    Trao đổi thêm với phóng viên về nguyên nhân ô nhiễm, ông Khoa cho rằng, có nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là giếng của bà con hay đậy nắp kín, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, một số chuồng trại, ao hồ còn gần giếng sinh hoạt. Nguyên nhân khách quan là do việc tích nước của nhà máy thủy điện Bá Thước 2, dẫn đến sự phân hủy của các thảm thực vật. Tuy nhiên, đó chỉ mới là những nhận định ban đầu, muốn chính xác phải chờ kết luận của các cơ quan chuyên môn.

    Luật Tài nguyên nước 2012

    Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

    1. Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

    2. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước.

    3. Xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất; gian lận trong việc xả nước thải.

    4. Đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch.

    5. Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa.

    6. Phá hoại công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

    7. Cản trở hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    8. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

    9. Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

    10. Xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-tram-gieng-nuoc-bi-o-nhiem-hon-2-nam-van-loay-hoay-giai-quyet-a171673.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan