Ngày 17/8, Uzbekistan thông báo nước này đã yêu cầu 46 máy bay của Afghanistan (22 máy bay quân sự và 24 máy bay trực thăng) hạ cánh xuống sân bay Termez.
Tổng cộng 585 binh sĩ Afghanistan đã đến Uzbekistan bằng máy bay, và 158 người khác tháo chạy qua sông Amu Darya ngăn cách hai quốc gia khi Taliban giành quyền kiểm soát từ tay chính quyền Afghanistan.
Cùng với đó, Tajikistan - nước láng giềng của Uzbekistan cũng cho phép 3 máy bay chở hơn 100 quân nhân Afghanistan hạ cánh xuống sân bay Bokhtar, miền Nam nước này, sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ các máy bay. Theo Vụ Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Tajikistan, nước này đưa ra quyết định trên theo nghĩa vụ quốc tế.
Việc Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8 đã khiến hàng nghìn người dân Afghanistan phải đi sang các quốc gia láng giềng để lánh nạn.
Một số video được đăng tải trên mạng Twitter trước đó cho thấy, cảnh tượng tại sân bay Kabul rất hỗn loạn khi hàng nghìn người dân Afghanistan tràn vào đây để tìm cách lên được những chuyến bay thương mại, buộc lực lượng an ninh phải bắn chỉ thiên để lập lại trật tự.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/8, Taliban hứa sẽ không nhắm vào những quan chức chính phủ Afghanistan, giục họ trở lại làm việc.
“Quyết định đại xá đã được ban bố. Vì thế, mọi người nên hoàn toàn tự tin để trở lại cuộc sống thường nhật”, Taliban tuyên bố.
Trong thời gian cai trị từ năm 1996 tới năm 2001, Taliban thiết lập một trong những chính quyền hà khắc nhất thế giới, với những vụ hành hình công cộng, thiếu sự tôn trọng đối với phụ nữ.
Song thời gian gần đây, tổ chức này muốn thể hiện bộ mặt ôn hòa hơn, theo Reuters. Họ đưa ra một số lời hứa hẹn như sẽ bảo vệ sinh mạng, tài sản, và danh dự của công dân, đồng thời xây dựng môi trường hòa bình và an ninh.
Tuy nhiên, tuyên bố đôi khi không đi cùng với hành động, mới đây, khi trả lời báo chí, một nhóm binh sĩ Taliban từng bảo nhà báo Clarissa Ward của CNN đứng sang một bên vì cô là phụ nữ.
Ở Kabul, một số hình ảnh phụ nữ trang trí trên các bức tường đã bị sơn đè lên. Theo Sky News, đường phố bỗng đầy người mặc trang phục truyền thống, không còn áo quần phương Tây, cũng không còn bóng dáng phụ nữ.
Mộc Miên (Theo Reuters)