(ĐSPL) – Không chỉ có con đường xách tay, hiện tại người Việt có thể mua hàng Thái chất lượng mà giá cả không cao hơn hàng Trung Quốc ở bất cứ đâu. Vậy, từ khi nào hàng Thái đã “nhan nhản” khắp thị trường Việt?
“Mưa dầm thấm lâu”
Hàng Thái Lan không hề xa lạ với nhiều người tiêu dùng Việt lớn tuổi, bởi từ cách đây nhiều năm, người Việt đã bắt đầu sử dụng hàng Thái Lan. Tuy nhiên, khi đó hàng Thái vẫn không có rộng rãi và nhiều, có chăng cũng chỉ dừng lại ở những sản phẩm thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu có nhãn hiệu tương tự các dòng sản phẩm đã bán ở Việt Nam nhưng chất lượng có khác chút ít.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, càng ngày càng có nhiều mặt hàng Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam qua nhiều con đường – từ cửa hàng biên giới, chợ vỉa hè, cửa hàng chuyên bán đồ Thái cho tới các siêu thị và tương lai gần là cả đại siêu thị. Hàng Thái Lan được ưa chuộng với giá rẻ, dễ mua và giúp tiểu thương dễ thu lời hơn.
Trả lời trên báo Tiền Phong, một chủ sạp bán hàng Thái tại vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết “Hiện nay ở khu vực biên giới, hàng Thái được bày bán đầy rẫy với nhiều chủng loại từ mỹ phẩm, thực phẩm, bột giặt, đồ gia dụng đến các nhóm sản phẩm may mặc, mùng mền. Hàng Thái rẻ hơn hẳn so với các nhóm hàng ngoại khác, nếu chăm chỉ đi qua Hà Tiên (Kiên Giang) để tới Kampot, Kokong hay cảng Sihanoukville (Campuchia) thì còn chọn được nhiều món hàng độc về kinh doanh, lời gấp 3-4 lần so với hàng bình thường”..
Thực tế, không phải chỉ bây giờ, các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan đã tìm hiểu khá kỹ về thị trường cũng như thị hiếu của người Việt Nam. Trong suốt 13 năm qua, 4 lần/năm, các doanh nghiệp Thái lại tự tổ chức xúc tiến hàng hóa Thái tại thị trường Việt Nam, từ thí điểm quảng bá thương hiệu đến đưa hàng qua đường xách tay, mở thử nghiệm chuỗi phân phối, đại lý nhượng quyền và đến nay là chuỗi cung ứng, các đại lý bán lẻ.
Và chiến lược “mưa dầm thấm lâu” đã phát huy tác dụng. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 10 tháng đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu trong xuất hàng hóa vào Việt Nam với 35 tỷ USD, Hàn Quốc 17 tỷ USD. Riêng Thái Lan vươn lên vị trí thứ 5 với 5,8 tỷ USD. Nếu tính riêng về đường nhập khẩu chính ngạch, rau quả Thái Lan đã soán ngôi sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc mấy tháng gần đây tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, 10 tháng đầu năm rau củ quả Thái Lan vào Việt Nam lên tới 138 triệu USD, cao hơn Trung Quốc 20 triệu USD.
Từ tiểu thương cho tới các “ông lớn”
Nhận định rõ sức mua tiềm năng của thị trường Việt Nam, không chỉ có hàng hóa Thái Lan vào qua đường tiểu ngạch, rất nhiều “đại gia” của Thái đã bắt đầu thâm nhập thị trường.
Hồi đầu năm nay, chuỗi siêu thị Robinson Department Store (Central Group) đã mở chuỗi siêu thị đầu tiên tại Việt Nam (Royal City - Hà Nội). Bên cạnh đó, ông chủ của chuỗi siêu thị này cũng bày tỏ tham vọng cuối năm nay sẽ mở trung tâm thứ hai (ước tính rộng 1.000 m2) có tên Crescent Mall tại TP.HCM chỉ để bán các thương hiệu của hàng Thái tại Việt Nam.
Cũng nhanh chân chiếm thị phần ở Việt Nam, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của người giàu thứ ba Thái Lan (theo số liệu của Forbes) đã chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ gồm 22 siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam. Theo dự báo, sau khi thương vụ hoàn tất vào năm 2015, đây sẽ là kênh phân phối cực lớn dành cho hàng Thái tại Việt Nam.
Công ty Berli Jucker (Thái Lan) cũng đã mua lại từ nhà bán lẻ FamilyMart (Nhật Bản) trong liên doanh với tập đoàn Phú Thái chuỗi 95 cửa hàng tiện lợi BJC Mart.
Như vậy không chỉ có các “cá mập” tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc và Nhật Bản muốn xâm nhập thị trường Việt, các đối thủ từ Thái Lan cũng đang cho thấy một cách khác hoàn toàn để tiếp cận người tiêu dùng Việt: không rầm rộ và chiếm lĩnh hệ thống phân phối nhỏ lẻ.