Phát hiện các vết bẩn trên khẩu trang được chính phủ phát, hơn 1.900 người Nhật Bản từ 80 đô thị trên cả nước đã đề nghị cấp khẩu trang mới.
Nhân viên bưu chính đem khẩu trang đến từng nhà tại Nhật. Ảnh: Kyodo |
Hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố kế hoạch trao mỗi hộ dân trên toàn quốc 2 khẩu trang vải, sau khi mặt hàng này cháy hàng trong giai đoạn đầu dịch Covid-19.
Theo đó, dự kiến đến cuối tháng 5 toàn bộ 50 triệu hộ dân tại Nhật Bản sẽ nhận khẩu trang vải miễn phí từ chính phủ.
Tuy nhiên, SCMP cho biết, giữa tháng 4 có 10 triệu khẩu trang được chuyển đến chính quyền địa phương nhằm phân phát trước cho thai phụ, người rủi ro cao đối với SARS-CoV-2. Tuy nhiên tới ngày 18/4, trên 1.900 người ở khắp 80 tỉnh thành tại Nhật Bản đã yêu cầu chính quyền địa phương và Bộ Y tế đổi khẩu trang do phát hiện có vết bẩn, dính bụi, xác côn trùng hoặc tóc.
"Nếu khẩu trang nhiễm bẩn, không phải là chúng đã bị làm bẩn mà chúng ta không thể nhìn thấy hay sao?", một người dùng Twitter viết. "Tôi sợ đến nỗi không dám dùng. Chúng ta phải làm gì? Trả lại chúng? Thật là lãng phí tiền nộp thuế của người dân".
Trong một diễn biến khác, những người điều hành các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc ban ngày đã chỉ trích những chiếc mặt nạ quá nhỏ để che miệng và mũi của người lớn
Số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã tăng lên 10.802 vào hôm 20/4, với 369 trường mới trên lãnh thổ Nhật Bản. Thêm 712 trường hợp đã được báo cáo trên tàu du lịch Diamond Princess trong khi nó đã cập cảng tại Yokohama. Tổng cộng, đã có 249 trường hợp tử vong do dịch bệnh tại nước này.
Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp với 7 tỉnh thành lớn vào ngày 7/4 và mở rộng ra quy mô toàn quốc vào ngày 16/4.
Với số ca nhiễm tăng nhanh như hiện nay, dù hệ thống y tế của Nhật Bản, vốn vẫn được đánh giá là tốt nhất nhì thế giới nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề.
Cách đây 2 tháng, chính phủ đã yêu cầu các nhà sản xuất tăng gấp nhiều lần số lượng máy thở và các trang thiết bị quan trọng khác. Tuy nhiên, vấn đề là khi dịch lây lan, số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh vẫn vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn, Nhật Bản có thể sẽ đi theo vết xe đổ của các quốc gia châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha.
Mộc Miên(Theo The Sun)