+Aa-
    Zalo

    Hàng loạt vệ tinh tạm thời rơi vào tình trạng ngủ đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - ESA ngừng vận hành thiết bị và thu thập dữ liệu từ những vệ tinh này do cần giảm quy mô hoạt động trong dịch bệnh.

    ESA ngừng vận hành thiết bị và thu thập dữ liệu từ những vệ tinh này do cần giảm quy mô hoạt động trong dịch bệnh.

    Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tạm dừng vận hành 8 trong số 21 vệ tinh mà trung tâm điều khiển của ESA tại Darmstadt, Đức, đang quản lý. Cụ thể, ESA ngừng vận hành thiết bị và thu thập dữ liệu từ những vệ tinh này do số lượng nhân viên tại Darmstadt giảm.

    "Ưu tiên của chúng tôi là sức khỏe của lực lượng lao động. Vì thế, chúng tôi sẽ cắt giảm hoạt động của một số nhiệm vụ khoa học, nhất là nhiệm vụ liên hành tinh vì chúng đòi hỏi nhiều nhân viên có mặt tại trung tâm nhất", Rolf Densing - Giám đốc vận hành của ESA, cho biết.

    Solar Orbiter, vệ tinh nghiên cứu Mặt Trời, tạm thời dừng hoạt động. Ảnh: ESA

    Cũng theo ông Rolf Densing, việc những vệ tinh này "ngủ đông" không ảnh hưởng đáng kể đến sứ mệnh lâu dài của chúng.

    "Đây là bước đi thận trọng nhằm đảm bảo an toàn cho những vệ tinh mang tầm thế giới của châu Âu, cho thiết bị của các nhà khoa học châu Âu và đối tác quốc tế trên những vệ tinh này. Chúng ta đang nói về những nhiệm vụ khoa học thuộc loại tiên tiến nhất của con người. Nếu việc tạm dừng vài nhiệm vụ giúp đảm bảo an toàn thì chúng tôi sẽ làm", Gunther Hasinger, giám đốc khoa học tại ESA, chia sẻ.

    Trước đó, ESA thông báo hoãn nhiệm vụ đưa robot lên sao Hỏa hợp tác cùng Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đến năm 2022, một phần do các quy định hạn chế di chuyển trong mùa dịch. Cơ quan này cũng cho biết, một nhân viên của họ đã nhiễm Covid-19.

    ExoMars là dự án quan trọng nhất của ESA và Roscosmos trong thời gian tới. Nếu thành công, đây cũng là lần đầu tiên châu Âu có tàu thăm dò trên sao Hỏa, trở thành đối trọng của Mỹ trên "hành tinh đỏ" nói riêng và ngành hàng không vũ trụ nói chung.

    Theo Nature, lịch dự kiến trước đó là tàu Rosalind Franklin sẽ được 2 cơ quan phóng lên quỹ đạo vào tháng 7 năm nay và đến sao Hỏa vào tháng 3/2021. Nhiệm vụ của tàu là tìm kiếm các chất hóa học mang dấu vết sự sống.

    Tàu Rosalind Franklin là phần thứ 2 trong dự án khổng lồ ExoMars. Phần thứ nhất là đưa tàu Trace Gas Orbiter bay quanh sao Hỏa và nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh này.

    Năm 2020 được nhiều chuyên gia xem là năm thám hiểm sao Hỏa khi ngoài ExoMars của ESA và Roscosmos, Trung Quốc, UAE cũng lên lịch phóng các tàu thăm dò đến sao Hỏa khoảng giữa năm nay.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-ve-tinh-tam-thoi-roi-vao-tinh-trang-ngu-dong-a316908.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan