Spitzer là kính viễn vọng cuối cùng trong bốn đài quan sát của NASA có các thiết bị hồng ngoại và cảm biến nhiệt phát ra từ các thiên thể.
NASA tắt các bộ điều khiển mặt đất của Spitzer để đưa kính viễn vọng vũ trụ già cỗi này vào trạng thái ngủ đông vĩnh viễn. Spitzer ban đầu được thiết kế tồn tại và hoạt động trong vũ trụ chỉ từ 2,5-5 năm.
Kính viễn vọng này ngày càng khó vận hành khi nó trôi càng xa Trái Đất. Hiện tại, Spitzer đã cách Trái Đất 165 triệu dặm (265 triệu km) và vẫn quay quanh Mặt Trời. Nó sẽ tiếp tục tiến xa hơn Trái Đất và không gây ra bất kỳ mối nguy hại nào cho các tàu vũ trụ và vệ tinh khác.
"Chúng ta không thể nào vận hành mãi mãi tất cả các kính viễn vọng hiện có", Paul Hertz - Giám đốc vật lý thiên văn của NASA cho biết.
NASA tắt kính viễn vọng sau 16 năm làm nhiệm vụ, đưa vào trạng thái ngủ đông vĩnh viễn. Ảnh: NASA |
Trong nhiều năm, Spitzer giúp các nhà khoa học và giới nghiên cứu nhìn xuyên qua những đám mây bụi tại các ngôi sao và thiên hà, phát hiện ra vành đai khổng lồ và gần như vô hình xung quanh sao Thổ, khám phá bảy hành tinh có kích thước gần giống Trái Đất.
Trong suốt thời gian hoạt động, Spitzer đã quan sát 800.000 mục tiêu trong vũ trụ và tạo ra hơn 36 triệu hình ảnh thô - một phần trong nhiệm vụ không gian trị giá 1,4 tỷ USD. NASA cho biết, ước tính có khoảng 4.000 nhà khoa học trên toàn thế giới đã tham gia vào các quan sát của Spitzer và công bố gần 9.000 nghiên cứu.
Được biết, hồi năm ngoái, các nhà khoa học đã hoàn thiện phần cuối cùng của chiếc kính thiên văn không gian khổng lồ James Webb, được kỳ vọng sẽ là cầu nối cho con người tiếp cận nhiều góc khuất trong vũ trụ. Đây được xem là bước tiến lớn trong nền khoa học không gian thế giới khi James Webb hiện là kính thiên văn lớn nhất, mạnh nhất và có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ nhất từng được đưa vào vũ trụ.
Với chiều dài 20,1m, chiều ngang 7,21m, kính James Webb lớn gấp 7 lần so với các thế hệ "tiền bối" như Hubble hay Spitzer. Trọng lượng của James Webb khoảng 6,5 tấn.
Theo NASA, James Webb được thiết kế đạt đến độ nhạy và độ phân giải chưa từng thấy, có khả năng thu thập từ bước sóng khả kiến cho tới hồng ngoại trung.
Nhiệm vụ của James Webb nặng nề hơn các đời kính thiên văn không gian trước đây khi phải săn tìm những thiên thể tối, nhỏ và mờ nhạt vốn rất khó tìm thấy ở điều kiện thông thường.
Bên cạnh đó, NASA kỳ vọng James Webb cũng có thể ghi nhận những vật thể phát ra bước sóng lệch về bức xạ hồng ngoại, hoặc những vật thể bị các vụ nổ trong vũ trụ che khuất.
James Webb dự kiến được đưa lên quỹ đạo ở độ cao kỷ lục 1,5 triệu km. Dù có thể quan sát những vật thể xa hơn, tối hơn, các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng việc bảo dưỡng, sửa chữa kính cũng sẽ khó khăn vì quá xa, chi phí tốn kém.
Vũ Đậu(T/h)