+Aa-
    Zalo

    Hàng loạt phụ huynh chạy điểm cho con ở Sơn La là cán bộ trong ngành giáo dục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong danh sách 44 thí sinh gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, có tới 12 thí sinh là con em cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này.

    Trong danh sách 44 thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, có tới 12 thí sinh là con em cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này. 

    Đáng chú ý, trong số những thì sinh này này có con một Phó Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La đương nhiệm, Chánh thanh tra Sở, Trưởng phòng Giáo dục trung học, và một số chuyên viên của sở GD&ĐT, hiệu trưởng, giáo viên một số trường THPT trên địa bàn.

    Mức điểm của các thí sinh “con em trong ngành” được chỉnh sửa cũng rất đa dạng, tổng điểm chênh giữa điểm công bố và điểm thực sau khi chấm thẩm định thấp nhất là 3 điểm, cao nhất lên tới 17,75 điểm.

    12 phụ huynh chạy điểm cho con ở Sơn La là giáo viên, cán bộ ngành giáo dục.

    Theo báo Tiền Phong, trong số 460 thí sinh trúng tuyển và xác định nhập học vào ngành Y đa khoa, trường ĐH Y Hà Nội năm 2018, V.H.L thuộc top 3 thí sinh có điểm thi chưa cộng điểm ưu tiên khuyến khích cao nhất trường với 28.4 điểm. Trong đó, điểm thi môn Toán là 9.4 điểm, môn Hóa học là 9.5 điểm và môn Sinh học là 9.5 điểm.

    Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT vừa qua, điểm lần lượt của sinh viên này là Toán 5.6 điểm, Hóa 3.5 điểm, Sinh 4 điểm với tổng điểm  thực là 13.1 điểm. Như vậy, sinh viên này được tăng khống 15.3 điểm. Trong đó, môn được tăng nhiều nhất là Hóa học, 6,1 điểm.

    Được biết, V.H.L là học sinh lớp 12A11 trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Trường này có thầy Phó hiệu trưởng Đặng Hữu Thủy, 1 trong 5 bị can bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố ngày 31/7 vừa qua, do liên quan đến vụ án sửa điểm thi tại Hội đồng thi THPT quốc gia Sở GD&ĐT Sơn La.

    Được biết bố L kinh doanh quán net còn mẹ L là giáo viên. Kết thúc học kỳ I tại trường ĐH Y Hà Nội, điểm trung bình các môn của L cũng chỉ đạt 3.42.

    Cũng theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, một thí sinh khác được N.Y.K, con của Trưởng phòng giáo dục Trung học, (Sở GD&ĐT Sơn La) Nguyễn N.H nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Sơn La. Theo đó, điểm thi ban đầu của Y.K môn Toán là 9.60, môn Ngoại ngữ là 9.60.

    Sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, thì điểm thực của Y.K là môn Toán 7.0 điểm, môn Tiếng Anh là 7.4 điểm. Số điểm được nâng hai môn của Y.K là 4.8 điểm. Tuy nhiên, trong đợt chấm thẩm định môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT hồi trung tuần tháng 7/2018, Y.K cũng là 1 trong 42 thí sinh của Sơn La có điểm chấm lại thấp hơn điểm công bố ban đầu là 1.25 điểm. Điểm môn Ngữ văn ban đầu của Y.K là 9 điểm nhưng điểm thực chỉ là 7.75 điểm. Như vậy, tổng số điểm mà Y.K được nâng lên 6.05 điểm.

    Y.K vốn là học sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La. Được biết, Y.K hiện đang theo học tại một trường ĐH thuộc khối ngành kinh tế tại Hà Nội.

    Trong số những thí sinh được gian lận điểm thi tại Sơn La vừa qua còn có T.T.M.A. Kết quả thi công bố ban đầu, M.A đạt Toán 9.6 điểm, Ngoại ngữ 9.6 điểm.

    Trong khi đó, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT thì M. A đạt Toán 7 điểm, ngoại ngữ 7.2 điểm. Tổng 2 môn, M.A được nâng 5 điểm. Qua phản ánh của dư luận thì mẹ của M.A trước dạy tại trường THPT chuyên Sơn La nhưng sau đó đã chuyển công tác lên làm việc tại Sở GD&ĐT Sơn La. M.A cũng học chuyên Toán của trường THPT chuyên Sơn La.

    Một thí sinh khác cũng là con em trong ngành  giáo dục được nâng điểm là P.M.H, là học sinh lớp chuyên Lý của trường THPT chuyên Sơn La. Điểm thi của M.H ban đầu là Toán 9 điểm, Hóa 9 điểm, Lý 9 điểm. Nhưng kết quả chấm thẩm định của  Bộ GD&ĐT thì điểm thực của M.H là Toán 6.8 điểm, Lý 7 điểm và Hóa học là 5.75 điểm. Tổng số điểm mà M.H được nâng là 7.45 điểm.

    Trước vấn đề này, chia sẻ trên báo Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định: “Về nguyên tắc, trong vấn đề xử lý gian lận, phải thật nghiêm minh, công bằng, minh bạch. Trên nguyên tắc đó, tôi cho rằng không có vùng cấm đối với bất kỳ ai, kể cả đối với những người công tác trong ngành giáo dục.

    Càng là cán bộ giáo dục, chúng ta càng phải xử lý một cách mạnh mẽ hơn. Bởi vì, là người đứng trong đội ngũ giáo dục, phải là người chống những gian lận đó, mà bây giờ, lại trực tiếp tham gia, thì quá sai trái, không thể có chuyện vì là đội ngũ giáo dục mà nương nhẹ”.

    PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

    Ông cho biết: “Như hiện nay, các thí sinh gian lận tại Hòa Bình đang học tại các trường công an đã bị trả lại địa phương, cần phải công khai như thế mới có tính răn đe”.

    “Trước mắt, phải kiểm điểm để những cán bộ giáo dục nhận ra sai lầm, Sở, phòng GD&ĐT phải làm thật nghiêm khắc để trước mắt giúp họ có nhận thức đúng đắn, sau đó mới tiến hành kỷ luật. Mức độ kỷ luật tùy thuộc động cơ, phương thức tiến hành, sự hối cải sau khi xảy ra,…

    Tuy nhiên, tối thiểu cũng là đình chỉ giảng dạy có thời hạn nếu là giáo viên, giảng viên, rồi xem xét đưa ra khỏi ngành giáo dục. Những cán bộ công tác tại các vị trí khác trong ngành cũng cần xem xét cách chức đưa ra khỏi ngành. Phải làm thật nghiêm khắc thì những người trong nội bộ ngành mới có bài học, mới “chừa” được. Việc lợi dụng vị trí trong ngành, lợi dụng sự thân quen, “móc ngoặc” mối quan hệ, hối lộ… cần có sự đánh giá thật chính xác để xử lý”, nguyên Thứ trưởng phân tích thêm.

    Thu Hằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-phu-huynh-chay-diem-cho-con-o-son-la-la-can-bo-trong-nganh-giao-duc-a270809.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan