Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Hàng loạt cột điện gãy, đổ: Thiết kế không chuẩn hay do chất lượng bê tông?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - - Sau cơn bão số 1 đi qua, hàng loạt cột điện trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị đổ, gãy thành nhiều đoạn.

    (ĐSPL) - Sau cơn bão số 1 đi qua, hàng loạt cột điện trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị đổ, gãy thành nhiều đoạn. Thậm chí, có những cột không có đê móng, chỉ được chôn xuống đất và phủ lên phần chân cột một lớp bê tông dày khoảng 20 - 30cm khiến người dân đặt nghi vấn về chất lượng cột điện đang có vấn đề.

    PV báo ĐS&PL đã về tận nơi để ghi nhận những diễn biến xung quanh sự cố bất thường này.

    Ảnh hưởng nặng nề đời sống người dân

    Phản ánh từ người dân địa phương cho biết, đa phần các cột điện bị gãy đổ đều mới được chôn, nhưng sau một trận bão đã đổ hàng loạt, kéo dài từ xã Nhân Nghĩa tới xã Nhân Chính, Nhân Khang (huyện Lý Nhân). Trong đó, xã Nhân Nghĩa ghi nhận có số lượng cột điện đổ và gãy nhiều nhất. Lúc gãy, người dân mới biết vật liệu làm cột điện chỉ là vài cây sắt mỏng, yếu, chân cột điện nhỏ, không đảm bảo chất lượng.

    Đến ngày 5/8, mới bắt đầu có điện, các cột điện đổ không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng hoa màu của bà con. Những ngày qua, các thợ điện của công ty điện lực huyện Lý Nhân đang khắc phục các cột điện đổ, người dân để ý mới biết, lần này họ đổ đế móng chân cột mới theo đúng tiêu chuẩn.

    Tiếp chuyện phóng viên giữa cánh đồng lúa, ông Nguyễn Văn L. (xã Nhân Nghĩa) chép miệng lắc đầu ngao ngán cho biết: “Đã 6 ngày mất điện khiến cuộc sống ở địa phương đảo lộn, nhiều nhà hết gạo ăn, không xát được phải đi vay gạo. Quan trọng là mất điện, máy bơm không hoạt động được, không kịp tiêu nước khiến cho hoa màu ở địa phương chúng tôi hầu như mất trắng. Chưa có trận bão nào mà cột điện lại đổ hàng loạt như thế, nhìn bằng mắt thường, chúng tôi có thể đưa ra quan điểm những cột điện này không đảm bảo chất lượng. Những cột điện này mới được bên điện lực làm xong trước khi cơn bão đi qua, vậy mà đổ được, chúng tôi nghi ngờ chất lượng có vấn đề. Khi ra xem cột điện đổ, chúng tôi thấy những lõi sắt không đều nhau, bê tông có vấn đề, móng cột điện nhỏ không đủ độ sâu”.

    Cột điện bị gãy đổ bất thường sau cơn bão số 1. 

    Qua tìm hiểu của PV báo ĐS&PL được biết, số lượng cột điện đổ nhiều nhất thuộc xã Nhân Nghĩa, Nhân Chính. Nhiều cột bị đổ hoàn toàn trơ ra những phần đế móng yếu và bị gãy thành nhiều đoạn lộ ra những thanh sắt nhỏ bên trong. Nhìn vào vết cột điện gãy khi mà những thanh sắt bé như thế liệu chất lượng có được đảm bảo? Trong khi đó, nhiều người ra đồng để xem lúa mạ nhìn thấy hàng loạt cột điện đổ xuống khiến họ hoảng sợ và không dám xuống ruộng lúa vì sợ... điện giật.

    PV đã liên hệ với Điện lực huyện Lý Nhân, đơn vị quản lý và vận hành. Ông Vũ Văn Nhu, Phó Giám đốc chi nhánh Điện lực Lý Nhân cho biết: “Sau cơn bão số 1, cả huyện Lý Nhân có 100 cột điện trung thế và 950 cột điện hạ thế bị hỏng nặng nề. Hiện tại, để thẩm định chất lượng các cây cột điện là rất khó, phải phân tích đúng về thiên tai, cơn lốc, gió xoáy cấp bao nhiêu. Ngay cả những người làm lâu năm, có kinh nghiệm khó có thể biết được chính xác chất lượng, bởi bề ngoài các cây cột điện đều được dựng đẹp cả. Chúng tôi chỉ là bên tiếp nhận và vận hành kĩ thuật mà thôi. Còn chất lượng như thế nào phải liên hệ với công ty Điện lực Hà Nam”.

    Thời điểm PV có mặt tại địa phương để tìm hiểu, những cột điện đổ đã được thay thế. Có những cột đã được san lấp hố chôn, tuy nhiên còn một số hố vẫn chưa được san.

    Để làm rõ thông tin liên quan đến việc hàng loạt cột điện gãy, đổ, PV đã liên hệ làm việc với công ty Điện lực Hà Nam. Trao đổi với PV, ông Kiều Tiến Hạnh, Phó Giám đốc công ty Điện lực Hà Nam cho biết: “Cột điện được thiết kế theo dự ứng lực bên trong lõi bằng thép, công nghệ này bây giờ Việt Nam đang áp dụng. Cột thì bên mình đấu thầu, sau đó bên đấu thầu là công ty Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn cung cấp. Tiêu chuẩn chất lượng đều đạt yêu cầu. Còn người dân bảo cột không có sắt, thép là không chuẩn. Cột sắt khác với cột thép, người dân không hiểu nên nói thế. Nhà máy sản xuất đều có tiêu chuẩn thiết kế. Thép thì kết cấu chịu lực gấp 3 lần sắt. Dân nhìn thấy thép bé quá nên bảo là sắt không đạt yêu cầu”.

    Nói về việc những cột điện này mới được dựng nhưng đã đổ, thậm chí là gãy, ông Hạnh cho rằng, những cột điện đó mới nên kết cấu chưa ổn định, nằm trong vùng gió xoáy của bão, khi một cột đổ thì kéo cả những cột khác đổ theo(?!). Trả lời câu hỏi về phản ánh của người dân móng cột điện chỉ đổ rất bé, ông Hạnh giải thích: “Móng cột vẫn như nhau, chẳng qua lần này đưa cẩu vào làm, đào đất to ra nên người dân mới nhìn to thế. Trong quá trình xây dựng thì đảm bảo đúng thi công theo tiêu chuẩn thiết kế và có thuê tư vấn giám sát nên chất lượng giám sát đều yên tâm”.

    Lộ vấn đề chất lượng bê tông

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Tiến Nhụ - Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa cho biết: “Nhiều cột điện 22KV bị đổ ngoài đồng ruộng nên địa bàn xã mất điện hoàn toàn trong vòng gần 1 tuần khiến cuộc sống người dân đảo lộn, hoa màu thiệt hại hàng tỉ đồng. Để tiêu nước úng, người dân phải dùng máy bơm chạy bằng dầu chứ không lúa sẽ chết hết. Lúa bị ảnh hưởng về năng suất, còn hoa màu thiệt hại trắng khoảng 300ha. Về chất lượng cột điện có phải kém chất lượng hay không, còn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn giám định mới biết được”.

    Trước thông tin về việc hàng loạt cột điện gãy, đổ lộ ra nhiều điểm bất thường, PV báo ĐS&PL đã tham vấn nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. PGS. TS. Nguyễn Quang Viên (trường đại học Xây dựng Hà Nội), chuyên viên Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công trình xây dựng cho biết: “Cơn bão số 1 đi qua đã làm cho nhiều cột điện bị đổ, theo tôi có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, cột điện đổ là vì gió quần thảo quá to; thứ hai có thể do cột điện bố trí quá thưa. Theo những hình ảnh trên báo chí, có thể thấy chất lượng thép tại các cột điện chưa thấy biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, việc các cột đổ gãy ngang cũng thể hiện rõ nhiều vấn đề về chất lượng bê tông. Vì vậy, chất lượng bê tông có vấn đề chăng?”. PGS. Viên chia sẻ, thời gian qua, liên tiếp các vụ việc liên quan đến chất lượng cột điện (vụ việc cột điện 500KV ở Hiệp Hòa - Bắc Giang đổ và vụ việc người dân tố trụ điện trộn đất ở huyện Vụ Bản - Nam Định) khiến người dân và dư luận không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đến nay, kết luận về vụ việc này vẫn chưa được công bố rộng rãi cho người dân hay biết. Thế nên, việc người dân nghi ngờ là có căn cứ.

    Cũng trao đổi với PV, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VAE) lại cho rằng: “Cơn bão số 1 vừa qua, chủ yếu ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình là có cột điện đổ. Tuy nhiên, theo tôi được biết, việc gãy đổ chỉ xảy ra ở một số cột điện trung thế đến hạ thế (tức là 22KV trở xuống đến 0,4KV). Chất lượng các cột điện 22KV trở xuống không thể hiện đại bằng các cột 22KV trở lên và trách nhiệm quản lý thuộc về các công ty điện lực ở từng địa phương.

    “Móng cột điện làm bằng bê tông kích thước quá nhỏ, mưa lâu làm đất xung quanh chân cột nhão ra, khi gió lớn, bão lớn có thể gây ra đổ cột. Những cột điện gãy đôi ngang thân là những cột đúc đơn giản bằng bê tông và sỏi đá thông thường chứ không phải bê tông li tâm”, ông Ngãi giải thích.

    Sẽ yêu cầu công ty điện lực báo cáo cụ thể

    Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với PV báo ĐS&PL ông Nguyễn Xuân Đông – Chủ tịch tỉnh Hà Nam cho biết: “Tôi chưa nhận được những thông tin phản ánh về việc cột điện đổ trên địa phương kém chất lượng. Tuy nhiên, tôi sẽ yêu cầu phía công ty Điện lực báo cáo cụ thể về việc này”.

    NHÓM PV

    [mecloud]qPyMlR8hYR[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-cot-dien-gay-do-thiet-ke-khong-chuan-hay-do-chat-luong-be-tong-a143066.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan