+Aa-
    Zalo

    Hàng loạt bác sĩ bệnh viện công "dứt áo ra đi", đâu là nguyên nhân?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các tỉnh, mà còn xuất hiện tại TP.HCM, khiến công tác khám chữa bệnh ngày càng quá tải.

    Thời gian qua, nhiều bác sĩ đã chuyển từ bệnh viện công sang làm việc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các tỉnh, mà còn xuất hiện tại TP.HCM, khiến công tác khám chữa bệnh ngày càng quá tải. Nguyên nhân do đâu?

    Hiện tượng bác sĩ ồ ạt nghỉ việc đang ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh các bệnh viện phía Nam.

    Ồ ạt rời bỏ bệnh viện công

    Trong các địa phương có tình trạng “chảy máu chất xám”, Đồng Nai là phức tạp nhất khi đã có gần 300 bác sĩ (BS) liên tục xin nghỉ việc trong vòng 3 năm qua. Trong đó, phần lớn là những người có “tay nghề” cao, có chứng chỉ hành nghề, thậm chí là các Trưởng, phó khoa.

    BS Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: "Nhiều BS trẻ được nhận vào làm việc, được tạo điều kiện thời gian để đi học nâng cao chuyên môn. Tuy nhiên, khi có được chứng chỉ hành nghề thì liền xin nghỉ để sang bệnh viện tư làm, hưởng thu nhập cao hơn", BS Trâm tâm tư.

    Còn tại Kiên Giang, số lượng BS ra đi cũng tăng lên không ngừng, đến nay đã có 78 người. Tỉnh Cà Mau cũng ghi nhận gần 100 BS không còn công tác tại các bệnh viện công lập. Tại Vĩnh Long, năm qua có hơn 30 BS đưa đơn xin thôi việc. Ngay tại TP.HCM, tình trạng này cũng khiến nhiều lãnh đạo bệnh viện trăn trở. Tại khoa Tâm lý của bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ trưởng khoa xin nghỉ, lãnh đạo bệnh viện phải bố trí BS khác thay thế. Còn ở khoa Thận nội tiết, BS Trưởng khoa cũng xin nghỉ việc nên Phó khoa được đôn lên để gánh vác công việc.

    Thạc sĩ, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận định: “Sự thất thoát về nhân sự gây rất nhiều xáo trộn. Một BS, kể từ khi ra trường, đi làm ở bệnh viện phải mất thêm 20 đào tạo, trau dồi kinh nghiệm mới gọi là cứng cáp. Vậy mà khi lành nghề, họ chuyển đi. Những BS ở lại phải gồng mình gánh luôn phần việc của họ trong thời gian chờ tuyển người mới”.

    Chẳng riêng gì bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng này diễn ra ở nhiều cơ sở y tế lớn tại TP.HCM như bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Từ Dũ... Tại bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, toàn cơ sở có 130 BS thì trong năm 2018 đã có 20 BS “dứt áo ra đi”.

    Phải nhìn lại mình BS

    Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đánh giá, tình trạng “chảy máu chất xám” ở bệnh viện công là điều tất yếu do hai nguyên nhân: Đồng lương và môi trường làm việc. Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập chính ở bệnh viện thì không thể đảm bảo cuộc sống. Ví dụ thu nhập ở vị trí Trưởng khoa như ông cũng chưa tới 15 triệu đồng/tháng. Trong khi vị trí tương đương ở bệnh viện tư, các BS được trả từ 50-60 triệu đồng/tháng.

    Mặt khác, làm ở bệnh viện tư không bị quá tải, BS có thời gian thăm khám, chăm sóc, tư vấn cho bệnh nhân nhiều hơn, chất lượng khám chữa bệnh nhờ thế nâng cao hơn, tâm lý BS cũng thoải mái, vui vẻ hơn.

    Tuy nhiên, với một bộ phận BS ra đi, vấn đề tiền lương có khi không quan trọng bằng văn hóa và môi trường làm việc. BS V.H., khoa Nội, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức chia sẻ: “Tôi vừa nộp đơn xin nghỉ việc sau hơn 10 năm gắn bó vì những rối rắm chuyện quản lý, thu chi... khiến mệt mỏi tinh thần”.

    Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, sự dịch chuyển nhân lực từ cơ sở y tế công lập sang cơ sở y tế tư nhân là chuyện hết sức bình thường trong thị trường lao động. “Hiện tượng dịch chuyển này là xu thế tất yếu, qua sự dịch chuyển này để các bệnh viện công “nhìn lại mình”, nếu muốn “giữ chân” BS giỏi, BS có kinh nghiệm”, ông Bình chia sẻ.

    Giáo sư Bình cho hay, ngoài mức thu nhập cao hơn thì môi trường làm việc trong bệnh viện tư nhân cũng được xem là “dễ thở” hơn. Ở bệnh viện tư, những yêu cầu phục vụ chuyên môn, máy móc trang thiết bị BS yêu cầu sẽ được đáp ứng, đặc biệt là BS giỏi. Ngược lại, bệnh viện công thì phải chờ qua rất nhiều công đoạn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở bệnh viện công luôn luôn áp lực vì bệnh nhân quá tải, BS không chỉ về chuyên môn mà còn phải làm nhiều việc “không tên” khác kèm theo như quá nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính, nhiều quy định trói buộc khiến nhiều người cảm thấy ức chế và ra đi.

    Mặc dù vậy, ông Bình cũng lo ngại: “Bệnh viện công vẫn luôn đông bệnh nhân mà BS có chuyên môn cao và có kinh nghiệm lại ra đi hết thì đó cũng là điều đáng tiếc cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bởi ngoài thương hiệu của bệnh viện công, BS thực hành tại đây được tiếp xúc nhiều mặt bệnh đa dạng nên kinh nghiệm kiến thức về lâm sàng, mặt bệnh luôn được bồi đắp. Vì vậy, trước xu thế hiện nay có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực đang đòi hỏi bệnh viện công phải xem lại mình. Đặc biệt là chế độ chính sách, môi trường làm việc”.

    Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ (bộ Y tế), công tác chính sách của ngành y tế các địa phương và lãnh đạo cần thay đổi, phải tăng thu nhập, tạo điều kiện làm việc, tạo cơ hội cho các BS để họ gắn bó lâu dài. “Các địa phương cần phải xây dựng chế độ chính sách để duy trì, giữ chân những BS có tay nghề giỏi. Đối với các bệnh viện công lập, người lãnh đạo bệnh viện cần phát huy tính năng động, tăng các nguồn thu, đầu tư kỹ thuật chuyên môn cao, trang thiết bị y tế để các BS gắn bó với công việc”, ông Hưng cho hay.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 116

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-bac-si-benh-vien-cong-dut-ao-ra-di-dau-la-nguyen-nhan-a286090.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan