(ĐSPL) - “Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, chống hàng giả bây giờ còn kì công hơn là chống buôn lậu”. Đây là lời khẳng định của ông Phạm Xuân Hoan – phó chi cục trưởng chi cục Nam Định
Sáng 20/11, Tại trung tâm hội nghị quốc tế đã diễn ra hội thảo: “Chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP” Đến tham dự hội thảo có sự góp mặt của nhiều đại biểu ban ngành trung ương như đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương TP. Hà Nội, đại diện các Chi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, các tổ chức Hội, Hiệp hội về người tiêu dùng và đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
“Không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem mác, không người chịu trách nhiệm, hàng giả, hàng nhái đang khiến doanh nghiệp và cơ quan chức năng rất đau đầu” Đây là lời khẳng định của ông Nguyễn Công San – phó chi cục trưởng chi cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội.
Nạn làm hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam diễn biến phức tạp. Nhiều sản phẩm trong nước làm nhái của nhau, nghiêm trọng hơn việc làm hàng giả hàng nhái được tổ chức sản xuất với quy mô lớn từ nước ngoài rồi qua đường biên giới vào thị trường trong nước, núp dưới những tên của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Hàng giả từ nước ngoài vào thị trường nước ta được chủ cửa hàng bán dưới dạng hàng tồn kho giảm giá, thậm chí lừa bán cả cửa hàng cho một chủ khác.
Ông Nguyễn Đăng Khoa (Trưởng phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) đã cho biết, theo thống kê gần đây của Bộ Công Thương thì chỉ tính trong 9 tháng từ đầu năm 2015 thì lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 13.458 trường hợp hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền phạt thu về nộp ngân sách nhà nước lên đến 41.2 tỷ đồng, riêng tổng giá trị sản phẩm thu giữ được có giá trị 25.8 tỷ đồng. Chỉ tính riêng ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội thì tổng số tiền phạt thu được 12.2 tỷ đồng. Lực lượng chức năng Hà Nội đã xử lý 894 vụ và lực lượng chức năng TP.HCM là 403 vụ.
Đưa ra nhận định về việc hàng giả, hàng nhái đang ngày càng quy mô, ông Phạm Xuân Hoan – phó chi cục trưởng chi cục Nam Định đã chia sẻ “ Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, chống hàng giả bây giờ còn kì công hơn là chống buôn lậu”. Ông cũng cho biết thêm: “ hàng gải hàng nhái rất quy mô, bất cứ sản phẩm đưa ra ngoài thị trường là có hàng nhái, nhiều mặt hàng phải liên tục thay đổi nhãn mác để bảo vệ sản phẩm của mình, ví dụ như công ty Ajnomoto cứ 3 tháng lại thay đổi mẫu mã một lần.
Tổng giám đốc Petrolimex chia sẻ với PV rằng : “ Doanh nghiệp và cơ quan chức năng muốn xử lý hàng giả, hàng nhái mà không biết phải xử lý sao cho triệt để bởi cứ hở ra là có hàng nhái”
Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho hay, hiện đã có tới trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả. Hàng giả, hàng nhái khá đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và linh hoạt về giá cả. Chúng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ các sản phẩm uy tín trong nước cho đến những mặt hàng xa xỉ của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Các sản phẩm bị làm giả phổ biến và nhanh nhất là mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát), quần áo, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị vệ sinh… Thậm chí, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả.
Nguyễn Công San – phó chi cục trưởng chi cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội trả lời báo giới |
Để đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã cho biết sẽ nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng quản lý thị trường đồng thời tạo thêm nhiều điều kiện để người dân và cả doanh nghiệp có thể hiểu rõ, tham gia cùng với các lực lượng chức năng trong mặt trận đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389.
Nguyễn Công San – phó chi cục trưởng chi cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội cho biết hiện tại ý thức của người dùng trong việc chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn rất thấp.Trong khi đó công tác chống hàng giả vẫn chưa thể đẩy mạnh được đến mức tối đa tất cả là vì thiếu sự hỗ trợ từ chính những đối tượng liên quan trực tiếp, cụ thể đó là các doanh nghiệp. Ngay cả khi hàng giả xuất hiện, gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính mình nhưng khi cho tiến hành điều tra xử lý nhiều doanh nghiệp vẫn không chịu hợp tác, họ sợ lên báo chí ít nhiều gì cũng gây ra bất lợi nên đành im lặng cho qua. Các chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, nhất là phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả…
Ngoài ra, còn do người tiêu dùng chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm này do chưa nắm vững luật pháp. Hơn nữa, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất.
Để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả quan trọng hơn hết là doanh nghiệp và cả người tiêu dùng cần phải thay đổi suy nghĩ của mình, nghiêm túc thực hiện công tác chống hàng giả vì khi TPP hiệu lực thì vấn nạn hàng giả sẽ càng hoạt động mạnh mẽ hơn.
Quỳnh Hoa