(ĐSPL) – Nói về tác hại của hàng giả, hàng nhái tới sức khỏe của người tiêu dùng, ông Đỗ Thanh Lam cho rằng vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng tới một đời mà thậm chí còn di hại cho đến nhiều đời sau.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc lớn về hàng giả, hàng nhái bị phanh phui, phát hiện và xử lý cho thấy quy mô, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi và trắng trợn.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội hôm 30/11/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, các cơ quan chức năng nhất là các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính sách, pháp luật liên quan. Đồng thời, kịp thời phát hiện những bất cập để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý vững chắc tạo thuận lợi cho thực thi công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Thanh Lam – Tổng thư ký Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng nhấn mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái.
PV: Ông đánh giá tình hình hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thời điểm cận Tết thế nào?
Ông Đỗ Thanh Lam: Thời điểm trước Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao nên các đối tượng làm ăn phi pháp đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn để tung ra thị trường, trong đó có hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi, ngay từ giữa năm vấn nạn này đã diễn ra khá phức tạp.
Có thể thấy, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế nước ta, đặc biệt là người tiêu dùng. Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương đấu tranh chống lại vấn nạn này; bước đầu thu được nhiều kết quả quan trọng. Song, nó vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có xu hướng gia tăng trên một số mặt hàng cùng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi có yếu tố nước ngoài.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng nghi giả bị thu giữ. (Ảnh: ANTV, Ban chỉ đạo 389) |
PV: Những loại mặt hàng nào thường bị làm giả, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Những mặt hàng nào có giá trị kinh tế lớn, thuế suất cao, được tiêu thụ nhiều thì đều bị làm giả. Ví dụ như thực phẩm chức năng, thời điểm cận Tết thì nhiều nhất vẫn là bánh mứt kẹo, rượu bia… Cả những mặt hàng được xã hội quan tâm nhiều như vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón bị làm giả, kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Các mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng bị làm giả nhiều. Tóm lại, những mặt hàng được tiêu thụ nhiều và bán chạy trên thị trường thì sớm muộn đều bị làm giả.
Hành vi vi phạm về hàng giả chủ yếu là gian lận về xuất xứ, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước đây, sản xuất hàng giả quy mô vừa phải hoặc nhỏ lẻ nhưng gần đây chúng ta thấy rất nhiều vụ có quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng được phát hiện và xử lý. Ví dụ như hồi tháng 8 vừa qua, lực lượng An ninh kinh tế và Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH thương mại SLIM HMN Việt Nam và thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng nghi làm giả.
PV: Những điểm “nóng” về hàng lậu, hàng giả và tác hại của vấn nạn này tới sức khỏe của người tiêu dùng là như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Trước đây, hàng giả thường xuất hiện ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên hiện nay ở khu vực ven đô hay thậm chí là các trung tâm thành phố lớn cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
[poll3]615[/poll3]
PV: Doanh nghiệp chịu tác động thế nào trước vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và động thái của các doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Hơn ai hết, những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn này. Nó ảnh hưởng tới doanh thu, quy mô hoạt động và khiến hình ảnh của doanh nghiệp bị giảm mạnh trên thị trường, thậm chí các công nhân còn có thể bị mất việc làm.
Hiện việc tuyên truyền về hàng giả được chia làm ba cấp độ: tuyên truyền trên thông tin đại chúng; tuyên truyền qua các dấu hiệu nhận biết hàng giả; tuyên truyền bởi chính các doanh nghiệp – người trực tiếp ảnh hưởng bởi nạn hàng giả, kém chất lượng. Các doanh nghiệp đều có thái độ tích cực trong việc chống hàng giả, hàng nhái nhưng do nhiều nguyên nhân khi các doanh nghiệp tại Việt Nam nguồn lực còn hạn chế, kinh phí hạn hẹp… do đó động thái của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, chủ động. Hầu hết những doanh nghiệp này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn những doanh nghiệp lớn, kể cả các doanh nghiệp nội hay doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì đều có chiến lược đấu tranh chống hàng giả rất bài bản.
Ông Đỗ Thanh Lam – Tổng thư ký Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam |
PV: Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu làm cầu nối thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp trước vấn nạn này, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam là một trong nhiều hiệp hội có chức năng vận động, tuyên truyền các hội viên làm tốt các quy định của luật pháp. Hiệp hội đã có nhiều hoạt động như phản biện, góp ý, xây dựng cơ chế chính sách cũng như thường xuyên vận động các hội viên hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để phòng ngừa, xử lý những vụ việc sản xuất hàng giả. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông đưa thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng, tránh để người dân sử dụng phải hàng giả, hàng nhái.
PV: Nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền xử lý hàng giả, tuy nhiên sự phân công chưa hợp lý dẫn đến chức năng nhiệm vụ chồng chéo, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Đỗ Thanh Lam: Ngoài việc các cơ quan thực thi phải nắm bắt được địa bàn, đối tượng nghi vấn, dự báo tình hình… cũng cần xây dựng được lực lượng thực thi sao cho tốt, các chỉ định, nghị quyết phải được vận dụng vào thực tế một cách hợp lý. Lực lượng thực thi cũng phải trong sạch, tinh thông nghiệp vụ, phải có phương pháp làm việc khoa học, không tiêu cực, nhũng nhiễu. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về lực lượng thực thi còn nhũng nhiễu, công tác tổ chức phối hợp về chống hàng giả và xử lý các vụ việc đúng pháp luật còn thiếu đồng bộ.
PV: Giải pháp nâng cao hiệu quả chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng khá khó khăn, phức tạp, khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Trước hết, bên cạnh những giải pháp thực tế như: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.
Hiện nay, tuy đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chủ yếu tập trung vào chống, nhất là chống trong khâu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái…
Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Song hành với đó, người dân cũng phải sẵn sàng tố giác cũng như hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý tội phạm làm hàng giả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng năm năm 2016, Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 TP Hà Nội cho biết đến hết năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 23.589 vụ việc vi phạm, khởi tố 205 vụ với 222 đối tượng. Trong đó, hàng cấm nhập lậu 3.147 vụ; gian lận thương mại hơn 19.100 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hơn 1.300 vụ. Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3.875,6 tỷ đồng; phạt hành chính hơn 1.400 tỷ đồng (tăng hơn 760 tỷ đồng so với năm 2015); truy thu thuế, thu thuế sau thanh tra, kiểm tra hơn 2.444 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu gần 12 tỷ đồng. Tang vật vi phạm chủ yếu là chất gây nghiện, vàng, thuốc tân dược, ngà voi, động vật hoang dã, gỗ quý hiếm, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhiều loại tem nhãn, bao bì, hàng hóa giả các thương hiệu nổi tiếng... |