(ĐSPL) - Trong những tháng cuối năm và dịp tết cổ truyền Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang cận kề, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (ban chỉ đạo 389) dự báo, đây là thời cơ để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng phát sinh diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát gây tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe người dân.
Để đấu tranh trước tình trạng này, ban chỉ đạo 389 đã lập kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 tại Công văn số 358/KH-BCDD ngày 17/11/2016.
Ngăn chặn từ gốc
Theo đại diện ban chỉ đạo 389, vào mỗi dịp cuối năm, tết cổ truyền của dân tộc, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có dịp sinh sôi và có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường.Chúng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, về giá cả giao động khó lường và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại gây khó khăn cho việc kiểm soát và xử lý.
Ban chỉ đạo 389 nhận định, sự nguy hại của hàng giả, hàng kém chất lượng thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, nó còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng. Minh chứng bằng những loại đồ ăn, thức uống, thuốc chữa bệnh bị làm giả hay làm kém chất lượng, nếu người tiêu dùng sử dụng thì hậu quả rất khôn lường.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sát sao trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Trước diễn biến này, ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thực tế tình hình, mục đích, yêu cầu, nội dung và phân công tại Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 để chỉ đạo triển khai tại đơn vị, địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả; có phân công rõ trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng đơn vị, lực lượng thuộc địa phương và các lực lượng của Trung ương đóng tại địa phương, chính quyền cơ sở.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng các cấp phải nắm vững diễn biến tình hình, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Trong đó, ban chỉ đạo 389 quốc gia nêu trọng tâm kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết, như: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã, hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo,...
Ý thức bảo vệ chính mình từ người dân
Theo ban chỉ đạo 389 quốc gia, có một thực tế là hoạt động buôn lậu, làm giả, làm nhái, hàng hóa kém chất lượng vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng, từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn...
Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu từ nay đến dịp Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường giao thông, ga tàu, bến xe và kho hàng có dấu hiệu vận chuyển, tập kết hàng lậu; kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm tại các địa bàn trọng điểm.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, đối với người tiêu dùng, mỗi cá nhân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng. Không chỉ cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng phải nhận thức nhiệm vụ trong việc phòng chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này góp phần bảo vệ lợi ích và sức khỏe cho chính bản thân người tiêu dùng, đồng thời nó cũng góp phần chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước…
Hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng 1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau: a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng; c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |