Mới đây, lãnh đạo y tế Indonesia ở quận Kudus, trung Java, cho biết hơn 350 nhân viên y tế trong khu vực được xác nhận nhiễm COVID-19, dù đã tiêm vaccine của hãng dược Trung Quốc Sinovac.
Diễn biến được ghi nhận trong bối cảnh có nhiều lo ngại về hiệu quả của một số loại vaccine trong việc đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.
"Trong khoảng 6.000 người, chỉ có hơn 300 nhân viên y tế nhiễm COVID-19, chiếm khoảng 5,1%. Hầu hết họ đã hồi phục và bắt đầu làm việc trở lại", lãnh đạo cơ quan y tế ở quận Kudus cho biết.
Phản hồi về vấn đề này, Sinovac hôm 22/6 cho biết vaccine COVID-19 không thể bảo vệ người tiêm 100% khỏi nguy cơ nhiễm virus, nhưng có thể giảm các triệu chứng nghiêm trọng và ngăn ngừa khả năng tử vong.
Hiện, số nhân viên y tế Indonesia tử vong do COVID-19 đã giảm đáng kể, từ 158 ca tử vong hồi tháng 1 xuống còn 13 ca tử vong hồi tháng 5. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế đánh giá số ca nhập viện trên đảo Java hiện nay là nguyên nhân gây lo ngại.
"Chúng ta không thể chỉ dựa vào tiêm chủng", ông Prijo Sidipratomo, Trưởng khoa Nội thuộc Bệnh viện Phát triển quốc gia nói.
Ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Griffith của Úc, nói rằng dữ liệu cho thấy các nhân viên y tế ở huyện Kudus đã nhiễm biến thể Delta. "Phần đông nhân viên y tế ở Indonesia tiêm vaccine hãng Sinovac và chúng ta vẫn chưa biết được vaccine này hiệu quả ra sao trong việc đối phó biến thể Delta".
Trong báo cáo cập nhật tình hình mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi Indonesia siết chặt biện pháp phong tỏa để giảm đà lây nhiễm của của biến thể Delta.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 21/6 với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, giáo sư trường y tế công cộng thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung Wei Sheng cho biết theo kết quả của các thử nghiệm mới nhất, các vaccine được sử dụng rộng rãi ở nước này, bao gồm Sinovac, vẫn có hiệu quả với biến chủng Delta.
Indonesia đang là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á và là điểm nóng COVID-19 tại châu Á. Nước này hiện ghi nhận hơn hai triệu ca nhiễm và hơn 55.000 ca tử vong do nCoV.
Mộc Miên(Theo Global Times)