(ĐSPL) - Kiểm tra việc kinh doanh hàng đóng gói sẵn, có 364 lượt hành vi vi phạm quy định về đo lường - chiếm 51\%. Thực tế này khiến người tiêu dùng đang hằng ngày bị “móc túi” bởi các doanh nghiệp làm ăn bất chính.
Kiểm tra đâu sai phạm đó
Ngày 19/11, Chánh thanh tra Bộ KH và CN Trần Minh Dũng cho biết, thời gian gần đây liên tục có các hành vi vi phạm pháp luật về việc kinh doanh hàng đóng gói sẵn (bánh, kẹo, nước uống đóng chai, chất tẩy rửa, xi-măng, khí đốt hóa lỏng…), gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Thông tin trên báo Chất lượng Việt Nam, theo kết quả thanh tra với gần 2.900 cơ sở sản xuất và kinh doanh HĐGS đối với 16 nhóm hàng tại 62 tỉnh, thành trong cả nước, vừa được Thanh tra Bộ KH&CN thực hiện, có tới 556 cơ sở (chiếm 19,5\%) vi phạm, phổ biến nhất là về đo lường và nhãn mác.
Trong đó, tỉ lệ vi phạm cao nhất là rượu, bia, nước giải khát, nước uống (25\%); nông sản, sản phẩm từ nông sản (24\%); phân bón (23\%); sơn, bột bả tường (21\%); bánh, mứt, kẹo, đường (20\%); ximăng (20\%); khí đốt hóa lỏng LPG (20\%); thuốc bảo vệ thực vật (19\%)...
Các hành vi vi phạm phổ biến nhất là về đo lường như đóng gói thiếu so với khối lượng công bố trên bao bì, không ghi hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định lượng hàng đóng gói... (chiếm tới 51\% số lượt hành vi vi phạm), tiếp đến là các vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (chiếm 21\%), chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không công bố tiêu chuẩn áp dụng, chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, vi phạm về sở hữu công nghiệp hoặc mã số mã vạch, sử dụng phương tiện đo không kiểm định, hết hạn kiểm định...
Thực tế này khiến người tiêu dùng đang hằng ngày bị “móc túi” bởi các doanh nghiệp làm ăn bất chính. Nhưng dường như, các cơ quan chức năng đang loay hoay trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi ông Vinh cho rằng, người tiêu dùng chỉ có thể yêu cầu người bán cân đúng, cân đủ nếu mua hàng trực tiếp; còn khi mua hàng đóng gói sẵn thì “hầu như người dân phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của doanh nghiệp đóng gói”.
Đặc biệt, theo kết quả thanh tra, mặt hàng rượu - bia - nước giải khát có tỉ lệ vi phạm cao nhất - chiếm 25\% tổng số mặt hàng vi phạm. Điển hình như tại Nghệ An, trong 37 mẫu nước được kiểm tra có tới 22 mẫu nước không đạt tiêu chuẩn, nhiều mẫu chứa khuẩn Ecoli; đặc biệt, đoàn thanh tra còn phát hiện ra loại “vi khuẩn màu xanh” trong một số mẫu nước, mà theo như khẳng định của đại diện Sở KHCN tỉnh Nghệ An thì “vi khuẩn này có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng”; còn tại Đồng Nai, có tới 4/6 mẫu nước uống đóng chai vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hầu hết các doanh nghiệp vi phạm do chưa nhận biết được các sai số cho phép về hàng đóng gói sẵn (HĐGS), sử dụng các thiết bị đo lường không bảo đảm chất lượng, chưa qua kiểm định. (Ảnh minh họa). |
Nguyên nhân do đâu?
Thông tin trên báo Nhân dân, Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vi phạm do chưa nhận biết được các sai số cho phép về hàng đóng gói sẵn (HĐGS), sử dụng các thiết bị đo lường không bảo đảm chất lượng, chưa qua kiểm định. Hoặc một số mặt hàng có nước, dung dịch bay hơi sau thời gian đóng gói cho nên cũng sẽ bị giảm khối lượng sau khi đóng gói. Do đó, hiện nay tỷ lệ vi phạm về số lượng của các doanh nghiệp khi bán cho người tiêu dùng khá lớn, gần như không bảo đảm đúng các quy định pháp luật.
Nhìn vào số liệu được kiểm tra và xử phạt nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây mới chỉ là những con số nhỏ, chưa đánh giá đúng thực chất của tình trạng vi phạm về HĐGS hiện nay. Mức độ xử phạt đối với các cơ sở vi phạm còn thấp, chưa có hướng giải quyết tận gốc, kiểm tra, kiểm soát trực tiếp từ các cơ sở sản xuất, các lô hàng nhập khẩu... Các cuộc thanh tra còn ít, mang tính thời điểm, cho nên nhiều cơ sở chưa bị phát hiện, hoặc bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Cần có nhiều cuộc thanh tra thường xuyên hơn để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Về vấn đề này, Chánh thanh tra Bộ KH và CN Trần Minh Dũng cho biết, hoạt động thanh tra được thực hiện toàn diện đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh HĐGS tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Do xử phạt phải dựa theo tính chất và quy mô của hành vi vi phạm. Cho nên trong thực tế triển khai, việc phát hiện các hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, đoàn thanh tra chỉ có thể kiểm tra được số lượng mà đơn vị, doanh nghiệp đang sản xuất, bán mà không nắm được thực tế số lượng là bao nhiêu, cho nên việc xử phạt chỉ tính ở mức độ phát hiện được tại thời điểm đó. Đơn cử như tại thời điểm thanh tra, doanh nghiệp chỉ có một lô hàng thì chỉ có thể kiểm tra và xử phạt trên lô hàng đó.
Ngoài ra, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý của một số cơ quan nhà nước chưa tích cực, số lượng thanh tra một số địa phương quá ít, chưa thật sự kiên quyết trong việc xử lý sai phạm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của các bộ, ngành chưa thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan thực thi. Theo Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Việt Thanh, hiện nay mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về HĐGS còn thấp, do đó cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn, đủ sức răn đe đối với những cơ sở vi phạm, nếu cần thiết thì rút giấy phép kinh doanh, sản xuất và phải xử lý hình sự nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay, việc quản lý, kiểm soát về HĐGS đã có các quy định cụ thể, nhưng mới chỉ áp dụng hình thức xử phạt là cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra còn ít, chưa kiểm soát được hoàn toàn thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục duy trì và tổ chức các cuộc thanh tra thường xuyên, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, sở hữu công nghiệp đối với HĐGS. Có như vậy mới giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
AN NHIÊN (Tổng hợp)