Tại Mỹ, ngày 24/6 vừa qua được ví là "ngày đen tối" của phụ nữ khi Toà án Tối cao ra phán quyết đảo ngược quyền được phá thai của phụ nữ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, đến nay vẫn còn nhiều người cũng đang tiếp tục đấu tranh cho quyền được phá thai.
Trong gần 7 thập kỷ qua(kể từ năm 1953), phụ nữ nước này phải sống với luật cấm được cho là bất công. Nhiều người đã mạo hiểm tính mạng để đi phá thai chui và đối diện sự kỳ thị của xã hội.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc quyết định việc cấm phá thai là vi hiến và kêu gọi một sự thay đổi cho phép phụ nữ phá thai trong giai đoạn đầu thai kỳ. Tuy nhiên, việc sửa đổi vẫn chưa được thực hiện.
Theo trang tin Koreabizwine, ở Hàn Quốc, người ta có thể dễ dàng tìm thấy các quảng cáo về các phòng phá thai trên các phương tiện truyền thông xã hội và các trang web cổng thông tin điện tử. Trên Twitter, có những tài khoản mạng xã hội đã đưa ra lời về việc phá thai và những nơi họ có thể thực hiện điều này. Các cộng đồng trực tuyến do phụ nữ lãnh đạo cũng đã chia sẻ thông tin về phá thai và danh sách các bệnh viện hiện có cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phá thai đã không còn bị cấm đoán ở Hàn Quốc nhưng hoạt động này vẫn chưa được thực thi một cách hợp pháp. Do đó, phụ nữ mang thai không thể làm gì khác nếu bị các bệnh viện từ chối phá thai.
Hiện nay, việc phá thai ở Hàn Quốc không được bảo hiểm y tế chi trả và mỗi bệnh viện đều quy định một mức giá phẫu thuật khác nhau.
Do đó, các nhóm đấu tranh vì quyền của phụ nữ đang kêu gọi sửa đổi luật liên quan càng sớm càng tốt để đưa hoạt động phá thai vào các dịch vụ y tế do bệnh viện cung cấp. Những người khác cũng kêu gọi cung cấp các loại thuốc phá thai có giá cả phải chăng và an toàn hơn so với các thủ thuật phẫu thuật.
Các tổ chức phụ nữ và những người trong ngành y tế đang yêu cầu hợp pháp hóa thuốc phá thai, loại thuốc hiện bị cấm ở Hàn Quốc.
Minh Hạnh (Theo Koreabizwine)