(ĐSPL) - Để giảm thiểu tình trạng kẹt xe, chính quyền TP.HCM đề xuất giảm thiểu người sở hữu và lưu thông phương tiện xe cá nhân nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. |
Phải hoàn thiện giao thông công cộng
Thưa ông, tại TP.HCM, khí thải từ các loại phương tiện cá nhân ngày càng tăng và nó cũng làm cho không gian TP trở nên chật chội hơn. Vì thế, chính quyền TP đã có nhiều giải pháp để hạn chế loại phương tiện này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Vấn đề giao thông tại TP.HCM là một vấn đề đặc thù, vì nơi đây tập trung nhiều phương tiện giao thông. Cho nên trước sau gì thành phố cũng phải hạn chế lượng phương tiện cá nhân lưu thông. Muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì phải phát triển giao thông công cộng.
Tuy nhiên, vấn đề giao thông công cộng lâu nay không phát triển, do vậy nếu muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì cũng không phải là việc dễ.
Theo ông thì trong bối cảnh hiện nay, TP có nên áp dụng biện pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân hay chưa?
Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM đang được quan tâm, đầu tư. Điển hình như xe buýt đang được chú trọng, cộng với việc phát triển tuyến đường sắt đô thị (METRO - dự kiến hoàn thành vào năm 2018) thì đây chính là thời điểm để bắt đầu triển khai công tác hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Trong tình trạng tắc nghẽn như hiện nay cộng với việc người người tập trung về thành phố quá đông, nếu không có biện pháp khắc phục thì trong tương lai gần, tức khoảng năm 2016, TP.HCM sẽ càng tắc nghẽn hơn. TP.HCM cũng đã suy tính kỹ và đưa ra phương pháp trên, để giảm lượng phương tiện cá nhân lưu thông, nếu không thực hiện thì sẽ không kịp với tình hình phát triển hiện tại.
Tôi cho rằng nếu không làm trong thời điểm này, thì không có thời điểm nào thích hợp để làm công việc trên.
Ông có nhắc đến hệ thống xe buýt, tuy nhiên người dân lại phàn nàn về chất lượng phục vụ và chưa mấy mặn mà với loại hình giao thông này?
Đúng là xe buýt chưa nhận được sự quan tâm nhiều của người dân. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức vận hành, khai thác... Ở một đô thị cần phải có loại phương tiện này, và rất cần được chú trọng phát triển. Đồng thời, phải có tuyến đường dành riêng cho xe buýt và hạn chế xe qua lại một số tuyến đường, chứ thành phố không thể mở rộng những con đường để giảm ách tắc vì chi phí rất cao.
Thưa ông, nhiều người băn khoăn và lo lắng về các khoản phí phải đóng khi tham gia giao thông? Liệu họ có "đối phó" với chính sách hay không?
Về vấn đề thu tiền phí nhiều khoản thì cũng chỉ là một trong những biện pháp mà TP.HCM đưa ra, nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Tất cả những quy định về đóng phí thì nước ngoài cũng đã thực hiện và thành công.
Ở đây cần nhấn mạnh một điều là ý thức người dân, người ta cho rằng người đi xe máy thì nghèo, không cần phải đóng phí, mà người đóng phí phải là người đi xe ô tô. Tuy vậy, cần phải hiểu rõ là người tham gia giao thông đều phải đóng phí, để thể hiện trách nhiệm giao thông, mức phí đóng của xe máy và xe ô tô vì thế cũng khác nhau.
Để tránh chuyện người dân lách luật, "đối phó" với chính sách (nếu phù hợp) thì phải có những ràng buộc nhất định. Ví như hiện nay, nhiều người lo ngại rằng, nếu bắt buộc có bãi đậu xe mới được mua ô tô, sẽ có một lượng lớn xe biển số tỉnh đổ bộ về TP.
Lúc này, công tác quản lý sẽ tập trung vào việc xem anh sở hữu xe có khớp với hộ khẩu và nơi ở của anh hay không? Chẳng lẽ, ở các đô thị khác trên thế giới làm được mà TP lại không?
Cần sự "vào cuộc" từ hai phía
Để hạn chế phương tiện cá nhân, ngoài những vấn đề như ông vừa phân tích trên thì hiện chúng ta đang có quá nhiều điều phải bàn. Ví như, thái độ của người dân chẳng hạn, liệu có thể thực hiện được hay không thưa ông?
Tôi cho rằng, muốn chính sách hạn chế phương tiện cá nhân có thể đi vào cuộc sống thì cần sự chia sẻ của người dân và hành động của các cơ quan Nhà nước. Ví như hiện nay, TP đang thiếu trầm trọng các bãi đậu xe cho người dân nhưng lại cho phép kinh doanh, mua bán xe phổ biến như hiện nay là bất hợp lý.
Vì thế nói người dân phải có chỗ đậu xe mới được mua thì khó khả thi. Hay như, khi xây dựng các khu căn hộ, chung cư cũng phải bắt buộc chủ đầu tư xây dựng bãi đậu xe. Nếu không có bãi đậu xe trong thiết kế, quy hoạch thì dứt khoát không cho làm. Ngược lại, nếu người mua mà không có bãi đậu xe thì cũng nói không với chung cư, căn hộ đó.
Về phía người dân, tôi cho rằng, cũng cần ủng hộ chính sách này và nâng cao nhận thức trong việc tham gia giao thông. Bởi những giải pháp mà chính quyền TP đưa ra cũng là mong muốn người dân thuận lợi hơn trong việc tham gia giao thông, nghĩa là mỗi người có thể dễ dàng đi lại, có chỗ đậu xe thuận lợi hơn... chứ không ai đi cấm mọi người sở hữu phương tiện cả.
Chúng ta cũng dần phải thay đổi tư duy, nếp sống cho phù hợp với sự phát triển của TP.
Nói là một chuyện nhưng khi triển khai vào thực tế thì sẽ rất khó, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đó là chuyện đương nhiên và cũng không thể nói là làm ngay được mà phải tiến hành từng bước một. Trong đó, vai trò của người làm chính sách là rất quan trọng. Nghĩa là khi chính sách đúng thì phải bảo vệ tới cùng. Còn nếu bị phản ứng mà "buông" thì cũng khó mà phát triển được.
Xin cảm ơn ông!