Trong khi các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm những sự thống nhất để gây áp lực với Nga, 2 quốc gia Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra những tín hiệu trái ngược.
Cụ thể, vào ngày 18/5 (giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng chặn một thủ tục bỏ phiếu của NATO về việc nhanh chóng xử lý đơn xin gia nhập khối của Phần Lan và Thuỵ Điển. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục phản đối nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) đối với lệnh cấm dầu mỏ của Nga, một phần của gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi NATO và EU đã thể hiện sự thống nhất đáng kể trong các phản ứng về chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hành động của hai nhà lãnh đạo này đã cho thấy căng thẳng đang gia tăng khi xung đột kéo dài, các cuộc đàm phán hòa bình dường như không đi đến đâu và các lệnh trừng phạt của phương Tây góp phần ảnh hưởng đến kinh tế, gây lạm phát cao trên thế giới.
Theo New York Times, ông Erdogan và ông Orban có thể là những người ngoại lệ trong tổ chức của họ và 2 nhà lãnh đạo này có thể sử dụng yêu cầu về sự đồng thuận trong cả NATO và EU để giải quyết các mối quan tâm chính trị thông qua sự phản đối đối với các hành động chung, ít nhất là tạm thời.
Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 18/5, cuộc họp của các đại sứ NATO đã không thể đạt được đồng thuận liên quan tới việc xử lý đơn xin gia nhập khối của Phần Lan và Thuỵ Điển vì Thổ Nhĩ Kỳ muốn NATO giải quyết các lo ngại về an ninh của mình trước. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị Phần Lan và đặc biệt là Thụy Điển chấm dứt điều mà Tổng thống Erdogan gọi là sự ủng hộ "các tổ chức khủng bố", chủ yếu là Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), cũng như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hoạt động bán vũ khí cho Ankara.
Sự phản đối của Ankara được đưa ra vài giờ trước khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại New York (Mỹ). Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh họ muốn các lo ngại về an ninh của mình được giải quyết trước cuộc họp thượng đỉnh hàng năm của NATO vào cuối tháng 6 tại Madrid (Tây Ban Nha).
Trong bài phát biểu trước Quốc hội cùng ngày 18/5, ông Erdogan đã chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây đối với các nhóm người Kurd, mà Ankara coi là khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét: "Sẽ không sai khi tôi nói rằng chúng tôi cảm thấy vui buồn lẫn lộn khi chứng kiến sự đoàn kết và hợp tác trong khu vực, các nguồn lực được tận dụng, vòng tay chào đón và sự bao dung được thể hiện. Nhưng chúng tôi, với tư cách là một đồng minh NATO, những người đã phải vật lộn với khủng bố trong nhiều năm, những nơi biên giới bị quấy rối, xung đột lớn xảy ra ngay bên cạnh, chưa bao giờ nhìn thấy một bức tranh như vậy".
Ông Erdogan nói thêm: "Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị họ giao 30 kẻ khủng bố. Nhưng họ chỉ đáp lại rằng 'chúng tôi không thể giao cho các bạn'. Các bạn không đồng ý giao những kẻ khủng bố nhưng lại muốn gia nhập NATO. Chúng tôi không thể đồng ý trở thành một tổ chức thiếu tính an ninh và bảo mật".
Được biết, PKK là một nhóm du kích người Kurd đã chiến đấu với cuộc nổi dậy ly khai kéo dài hàng thập kỷ ở các vùng của Thổ Nhĩ Kỳ. PKK đã được Mỹ chỉ định là một tổ chức khủng bố vào năm 1997.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan vẫn không hài lòng với sự hỗ trợ từ Washington và Stockholm cho lực lượng dân quân liên kết với PKK ở Syria. Năm ngoái, chính phủ của ông đã lên án Mỹ và Thụy Điển về vấn đề này. Đồng thời, khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dẫn độ 6 thành viên PKK từ Phần Lan và 11 thành viên PKK từ Thụy Điển nhưng bị từ chối.
Ông Erdogan chỉ ra những vấn đề này khiến ông không cảm thấy thoải mái về tư cách thành viên NATO của 2 quốc gia Bắc Âu này. Tuy nhiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông sẽ không phủ quyết hoàn toàn đơn xin gia nhập của họ.
Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên và cố vấn chính sách đối ngoại của ông Erdogan, nói thêm: "Chúng tôi không đóng cửa. Nhưng về cơ bản chúng tôi đang nêu ra vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ".
Thái độ của Hungary
Tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, an ninh quốc gia cũng là vấn đề được Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra. Được biết, Hungary phụ thuộc vào Nga về năng lượng, với 85% khí đốt tự nhiên và 65% nguồn cung cấp dầu nhập từ Nga. Ngoài ra, nước này cũng sử dụng công nghệ của Nga trong các nhà máy điện hạt nhân.
Trong khi Hungary đã thông qua tất cả các gói trừng phạt trước đó của EU, bao gồm cả lệnh cấm vận đối với than đá của Nga, ông Orban tuyên bố rằng lệnh cấm dầu Nga sẽ như một "quả bom nguyên tử" đối với nền kinh tế Hungary.
Giống với vị trí của Tổng thống Erdogan ở NATO, Thủ tướng Orban giờ đây cũng là người nắm lá phiếu quyết định ở EU trong nỗ lực hoàn tất lệnh cấm vận dần dần đối với dầu mỏ Nga, biện pháp chính trong gói trừng phạt thứ 6 của liên minh.
Các cuộc thảo luận để giải quyết tình hình đã bắt đầu từ giữa tháng 4. Sau khi tham vấn rộng rãi giữa các quan chức và nhà ngoại giao từ 27 quốc gia thành viên EU, một đề xuất đã được đưa ra để tìm kiếm sự thống nhất. Trong đó, đề xuất sửa đổi đầu tiên đã cho Hungary và Slovakia cơ hội tìm các nhà cung cấp dầu thay thế. Trong khi 25 thành viên EU sẽ có thời gian từ giờ đến cuối năm để từ bỏ sự phụ thuộc vào dầu Nga, Hungary và Slovakia được gia hạn chót tới năm hết 2023.
Sau đó, Hungary đề nghị cho họ thêm nhiều thời gian hơn. Phiên bản sửa đối mới nhất của gói đã cho họ thời hạn đến cuối năm 2024 nhưng ông Orban khẳng định rằng Hungary sẽ cần hàng tỷ USD từ khối để bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhận định, việc lựa chọn sử dụng các loại dầu khác nhau và hiện đại hóa hệ thống năng lượng của Hungary sẽ tiêu tốn từ 15-18 tỷ euro và mất khoảng 5 năm.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu kỳ vọng đến cuối cùng Hungary sẽ chấp nhận đề xuất cấm dầu mỏ Nga của khối vì nước này đã được gia hạn thời gian và nhận được nguồn tài trợ để hỗ trợ quá trình thay đổi. Tuy nhiên, Thủ tướng Orban có thể sẽ kéo dài các cuộc đàm phán tới cuối tháng, khi các nhà lãnh đạo EU gặp mặt trực tiếp ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về vấn đề Ukraine.
Các quan chức NATO cũng bày tỏ sự tự tin tương tự rằng ông Erdogan cuối cùng sẽ chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối. Đổi lại, ông có thể nhận được một số sự nhượng bộ sẽ giúp ông về mặt chính trị ở quê nhà, trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khủng hoảng và cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra trong năm tới.
Minh Hạnh (Theo New York Times)