Tri thức trực tuyến đưa tin, theo thông báo đấu giá tài sản, Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan đang có nhu cầu đấu giá hơn 8.000 sản phẩm gồm thành phẩm xe đạp các loại, linh kiện xe đạp, sản phẩm dở dang xe đạp chưa hoàn chỉnh. Đây đều là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Cụ thể, có 4.999 sản phẩm linh kiện xe đạp như 87 bộ chắn bùn trước và sau xe đạp, 439 càng xe đạp, 900 chân xích xe đạp, 775 khung sườn xe đạp, 1.420 lốp xe đạp, 1.378 vành xe đạp.
Đáng chú ý, có 3.220 xe đạp 26" Firmstrong và 700C Firmstrong thành phẩm; 57 xe lướt điện hãng Veoride 10", trị giá lô hàng này theo danh sách của cơ quan Hải quan là 5,04 tỷ đồng. Ngoài ra có 313 xe đạp nam, nữ lắp ráp hoàn thiện giá hơn 346 triệu đồng...
Giá khởi điểm của lô tài sản trên là hơn 5,1 tỷ đồng, tiền đặt trước 1 tỷ đồng. Thời gian xem tài sản từ 13/7 đến 14/7 tại Công ty CP ICD Tân Cảng Sóng Thần (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Cuộc đấu giá sẽ diễn ra bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp vào sáng ngày 19/7.
Cùng thời điểm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM cũng thông báo đấu giá lô xe đạp điện, xe đạp thể thao của Cục Quản lý thị trường TP.HCM. Đây đều là hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, theo danh sách có 5 chiếc xe đạp thể thao hiệu Dkaln và Lanwe không rõ xuất xứ; 7 chiếc xe đạp điện hiệu Good và Dream xuất xứ từ Trung Quốc. Tổng giá trị lô hàng này gần 36 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào chiều ngày 14/7.
Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện, thu giữ xe đạp, xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 6/7, Đội trưởng Đội QLTT số 5 tỉnh Hưng Yên đã tạm giữ 25 chiếc xe đạp điện (không có bàn đạp, không có ắc quy) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Trước đó, tạp chí Chất lượng Việt Nam đưa tin, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 do Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre) tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Tương Lai Xanh tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Tương Lai Xanh chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các xe đạp điện được bày bán không không có nhãn hàng hóa, không xác định được nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, không gắn dấu hợp quy; tổng trị giá hàng hóa tạm giữ là 180.500.000 đồng.
Thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do sử dụng các loại phụ tùng giả, kém chất lượng gây ra như: Cháy nổ xe, gãy trục xe... gây tai nạn và tổn thất cho người sử dụng cũng như an toàn xã hội. Tình trạng tự lắp ráp, độ xe là nguyên nhân của không ít vụ cháy, nổ xe đạp điện, xe máy điện.
Vân Anh(T/h)