Sau khi vừa vặn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018, Đạm Cà Mau bước sang năm mới với kế hoạch khá dè chừng, xác định là năm bản lề tái cấu trúc công ty.
Thông tin công bố trên sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ngày 18/1, bà Trần Thị Bình vừa gửi đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã CK: DCM) vì lý do cá nhân. Được biết, bà Bình được đại hội đồng cổ đông Đạm Cà Mau bầu làm ủy viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty nhiệm kỳ từ tháng 3/2015 đến tháng 12/2020.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 10/1 vừa qua, Đạm Cà Mau đã tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua việc bầu ông Trần Ngọc Nguyên làm thành viên hội đồng quản trị. Ông Nguyên sau đó được bầu giữ vị trí Chủ tịch Đạm Cà Mau.
Đại hội lần này cũng miễn nhiệm tư cách thành viên hội đồng quản trị đối với ông Bùi Minh Tiến, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Đạm Cà Mau, được hoán đổi vị trí Tổng Giám đốc công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) với ông Trần Ngọc Nguyên hồi trung tuần tháng 12/2018. Được biết, tân Chủ tịch Đạm Cà Mau Trần Ngọc Nguyên sinh năm 1977 tại Quảng Nam, tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Dầu mỏ và Động cơ (ENSPM - École Nationale Supérieure du Pétrole et Des Moteurs- Cộng hòa Pháp).
Ông Nguyên cũng là người có kinh nghiệm, thời gian công tác hơn 15 năm trong lĩnh vực lọc hóa dầu, có kinh nghiệm vững vàng điều hành doanh nghiệp khâu sau (chế biến Dầu khí) của tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Nguyên - tân Chủ tịch Đạm Cà Mau. |
Mới đây, Đạm Cà Mau cũng thông báo về kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu đạt 6.924 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2018 thì kế hoạch năm 2019 của Đạm Cà Mau tăng hơn 10% về doanh thu nhưng lợi nhuận giảm so với các năm trước.
Thông tin từ Đạm Cà Mau, nguyên nhân khiến doanh nghiệp đầu ngành phân bón này - "con cưng" của tập đoàn Dầu khí chấp nhận "bước lùi" trong năm 2019 do năm nay là năm đầu tiên Đạm Cà Mau áp dụng giá khí mới trong khi nhà máy vẫn còn trong giai đoạn khấu hao với chi phí khá lớn.
Đạm Cà Mau cho biết năm nay Đạm Cà Mau sẽ duy trì tình trạng nhà máy sản xuất ổn định với 775.000 tấn Đạm Cà Mau, 80.000 tấn NPK; Kinh doanh trọn bộ 7 sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau với hơn 1 triệu tấn.
Theo Đạm Cà Mau, năm 2019 là năm bản lề của Đạm Cà Mau để thực hiện công tác tái cấu trúc công ty, áp dụng chiến lược mới trong hoạt động và mô hình kinh doanh của công ty để đa dạng hóa sản phẩm, thu về lợi ích tối đa cho công ty.
Kết thúc năm 2018, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu ước đạt 7.016 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm, là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 685 tỷ đồng, vừa vặn hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Nộp ngân sách Nhà nước trên 132 tỷ đồng.