(ĐSPL) - Công nhân cởi trần làm việc trong trạng thái đầy mồ hôi, không có bao tay hay khẩu trang. Họ thậm chí còn không rửa tay trước khi bắt đầu làm mỳ.
Theo ghi nhận của các phóng viên Netease, một nhà sản xuất mì gia công đối diện với khu công nghiệp tại Nam Sơn (Thâm Quyến, Trung Quốc) đã có một số hành vi bất thường.
Người dân tại khu vực cho hay, mặc dù là xưởng sản xuất mì gia công, nhưng ngôi nhà này ban ngày đóng cửa kín mít, chỉ đến nửa đêm mới mở cửa để làm mì… cấp tốc.
Xưởng sản xuất mì gia công chỉ đến nửa đêm mới mở cửa để làm mì …cấp tốc. |
Nguồn tin này cũng cho hay, mỗi đêm, nhà xưởng này có thể sản xuất tới 2 tấn mỳ gạo để cung cấp trực tiếp cho “Thung lũng điện tử Thâm Quyến” - khu công nghiệp khoa học Nam Sơn.
Sau nhiều đêm theo dõi nhà xưởng, phóng viên đã nhận thấy hàng tấn mỳ được nhà xưởng chuyển đi tiêu thụ sau mỗi đêm phần lớn đều không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh.
Vào khoảng 21h, các phóng viên giả theo lời chỉ dẫn của người dân, đã tìm cách tiếp cận xưởng mì bằng cách giả làm người mua hàng ở tạp hóa gần đó.
Cho tới khoảng 22h cùng ngày, nhà xưởng mới bắt đầu mở cửa làm việc.
Bên trong nhà xưởng chưa đầy 20m2 chỉ có một bóng đèn sáng, một chiếc máy làm mỳ chiếm 2/3 diện tích, và dưới đất thì la liệt mỳ gia công.
Ghi nhận của các phóng viên cho thấy cả nhà xưởng và công nhân làm việc tại đây đều không tuân thủ bất kỳ một nguyên tắc nào về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thùng đựng bột dính đầy bụi bẩn. Bao bì không được kiểm định chất đầy một góc. Công nhân cởi trần làm việc trong trạng thái đầy mồ hôi, không có bao tay hay khẩu trang. Họ thậm chí còn không rửa tay trước khi bắt đầu làm mỳ.
Công nhân cởi trần làm việc trong trạng thái đầy mồ hôi, không có bao tay hay khẩu trang. |
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ làm việc, các công nhân nhà xưởng mới bắt đầu mặc áo và nghỉ ngơi.
Trong lúc đó, hai công nhân trẻ trải tấm ni lon trắng (có khả năng dùng để bọc mỳ) ngồi ra cửa và bắt đầu hút thuốc. Sau đó họ lấy tay quệt mồ hôi và tiếp tục làm việc mà hoàn toàn không có ý định rửa tay.
Để biết rõ hơn về cách thức tiêu thụ sản phẩm của xưởng mỳ gia công này, các phóng viên đã bắt chuyện với nhân viên nhà xưởng: “Mỳ ở đây bán thế nào?”
Khi đó, một công nhân khoảng 20 tuổi đang làm việc tại đó hất hàm: “2 đồng một cân, 1 túi 10 cân. Muốn mua nhiều thì để lại địa chỉ.”
Sau đó khoảng 4h sáng, một xe tải dừng lại trước nhà xưởng. Các công nhân bắt đầu chuyển mỳ lên xe để mang đi tiêu thụ.
Thấy công nhân nhà xưởng không có vẻ nghi ngờ, các phóng viên tiếp tục bắt chuyện dò hỏi.
Sau khi tìm hiểu, các phóng viên được người công nhân trẻ tuổi họ Dư (người Hồ Bắc) cho biết, cả nhà xưởng này chỉ có 4 công nhân, đều là đồng hương với cậu. Năm ngoái, bốn người họ được thuê để sản xuất mỳ gia công tại đây.
Cho tới khoảng 5h sáng, khi các cửa hàng ven đường bắt đầu mở cửa, thì công nhân tại đây lại tất bất dọn dẹp đóng cửa nhà xưởng và chuẩn bị đi ăn sáng.
Bên trong nhà xưởng, đập vào mắt các phóng viên là những khay bẩn đựng hàng trăm cân mỳ được hong khô bằng…quạt máy!
Anh chàng công nhân họ Dư này cũng tiết lộ thêm: mỗi buổi tối họ mở cửa vào lúc 10h tối, chỉ trong vòng 3 tiếng, họ có thể sản xuất được 1 tấn mỳ. Tất cả đều chuyển đến tiêu thụ tại khu công nghiệp Nam Sơn.
“Chúng tôi đều đóng gói cẩn thận, mỗi túi chứa 10 cân mỳ sợi. Phần lớn đều là cung cấp cho khu công nghiệp đó”.
Sau đó, một người đàn ông xưng là ông chủ của xưởng mỳ gia công này ra tiếp chuyện với các phóng viên. “Ông chủ này” còn nhiệt tình nói cho cách bảo quản: “cứ bỏ vào tủ lạnh, muốn ăn khi nào thì lấy ra, nấu lên hay trộn với rau đều ăn rất ngon”.
Vừa bước vào xưởng mỳ của mình, “ông chủ” này còn thản nhiên hút thuốc mà không quan tâm việc khói thuốc hay tàn thuốc có thể rơi vào mỳ.
Sau khi khảo sát xong nhà xưởng, các phóng viên đến ăn sáng tại khu công nghiệp Nam Sơn – nơi 1 tấn mỳ được trực tiếp tiêu thụ.
Tại một cửa hàng mỳ, khi các phóng viên hỏi về nguồn gốc và chất lượng số mỳ, bà chủ còn tin tưởng khẳng định: “Là đồ nhà làm, có thể không sạch được sao?’
Qua tìm hiểu, khu khoa học kỹ thuật Nam Sơn hiện tại có 60 công ty, hơn 600 xí nghiệp với khoảng 40 triệu lao động.
Trước đó, trên Shanghaiist đưa tin, hình ảnh được đăng tải trên mạng có liên quan đến quy trình sản xuất mất vệ sinh của xưởng chế biến trong nhà máy Laitao ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Một hình ảnh cho thấy thùng gia vị chứa các vật lạ và theo báo cáo, thùng gia vị này bốc lên mùi khó chịu.
Một hình ảnh khác cho thấy công nhân ở đây bận rộn với dây chuyền sản xuất, không ai đeo khẩu trang hay găng tay, trong đó, một nữ công nhân tay bị sưng phồng, mưng mủ và được quấn bằng miếng vải
Bài báo cũng cho biết nhiều công nhân bước ra từ nhà vệ sinh không rửa tay mà đi thằng về dây chuyền sản xuất.
Laitao hay dải cay là một trong những món ăn vặt được trẻ em yêu thích tại Trung Quốc. Mỗi gói dải cay được bán với giá 1 nhân dân tệ (khoảng 3.400 đồng).
Công nhân không đeo găng tay khi sản xuất, thậm chí đi vệ sinh xong còn không rửa tay |
Trong năm 2011, 53 nhà máy sản xuất dải cay đã bị Ủy ban An toàn thực phẩm Bắc Kinh đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất trái phép sau khi thay đổi tên doanh nghiệp.
Đây được coi là vụ việc mới nhất khiến dư luận phẫn nộ liên quan đến các vụ bê bối thực phẩm ở Trung Quốc. Năm 2013, một nhà máy ở Côn Minh dùng nước rửa chân nấu bún gạo bị phanh phui.
BTV(Tổng hợp)