Người Trung Quốc cổ đại có niềm tin mạnh mẽ về sự tồn tại của thế giới bên kia, điều này được thể hiện rõ nét trong thần thoại về tử thần Hắc Bạch Vô Thường.
Hắc Bạch Vô Thường tồn tại từ xa xưa trong văn hoá Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Có một truyền thuyết rất cũ, có lẽ tồn tại lâu đời hơn cả một số triều đại xa xưa nhất của Trung Quốc, đó là niềm tin sống động về thế giới bên kia. Theo đó, người chết cần được hộ tống giúp đỡ trong cuộc hành trình sang kiếp sau. Hắc Bạch Vô Thường, hay còn gọi là Hắc Tướng quân và Bạch Tướng quân được cho là sẽ xuất hiện tại nơi những người vừa mới qua đời để dẫn dắt linh hồn của họ đến cõi chết.
Ngày nay, nhiều người trên thế giới đều tôn sùng những Tử thần Trung Quốc này và coi là một phần quan trọng của tôn giáo Trung Quốc.
Huyền thoại của Hắc Bạch Vô Thường
Từ xa xưa ở Trung Quốc cổ đại, hai vị Hắc Vô Thường và Bạch Vô Thường được giao nhiệm vụ hộ tống tù nhân từ thành phố này sang thành phố khác. Tuy nhiên, giữa cuộc hành trình, tù nhân đã trốn thoát, chạy vào vùng đất hoang vu rộng lớn của, khiến cả hai lính canh bất ngờ và không thể trở tay.
Thời đó, những vùng hoang dã Trung Quốc vẫn bị bỏ hoang và trở nên đáng sợ hơn rất nhiều vào ban đêm, khi những con thú hoang và những sinh vật không tự nhiên lang thang khắp vùng quê săn lùng con mồi tiếp theo của chúng. Tuy nhiên, Hắc Vô Thường và Bạch Vô Thường vẫn quyết định chia ra để tìm kiếm tù nhân. Họ thống nhất rằng sẽ gặp nhau dưới một cây cầu cũ, tinh xảo khi Mặt trời sắp lặn, bất kể có tìm thấy tù nhân mất tích hay không.
Sau một vài giờ, không có dấu chân nào trong tầm nhìn. Khi mặt trời sắp lặn, Bạch Vô Thường quyết định tốt nhất là nên đến điểm hẹn sớm hơn. Chờ đợi bên dưới cây cầu cũ như đã hứa, mưa xối xả bắt đầu trút xuống. Hắc Vô Thường cũng đang ở gần đó đã nhanh chóng đi đường vòng do lở bùn và lũ lụt nặng nề.
Cuối cùng, khi Hắc Vô Thường lảo đảo vượt qua thời tiết khắc nghiệt đến bên dưới cây cầu cũ thì được một phen kinh ngạc khi thấy người bạn của mình trôi nổi ở hạ lưu. Cây cầu đã bị ngập, và Bạch Vô Thường bị kẹt giữa cây cầu cũ và dòng nước dữ dội. Quá đau khổ, Hắc Vô Thường treo cổ tự sát ngay cạnh mép cây cầu đang đứng.
Ngọc Hoàng Thượng đế đã nhìn thấy hành động trung thành của họ với nhau, quyết định rằng trao thưởng cho họ bằng cách tái sinh thành hai vị tướng của thế giới bên kia, một nơi mà người Trung Quốc gọi là Diyu. Đây là cách mà những linh hồn nổi tiếng được gọi là Hắc Bạch Vô Thường hay Hắc Bạch Nhị Gia ra đời.
Đặc điểm của Diyu
Hắc Bạch Vô Thường đại diện cho niềm tin của người Trung Quốc về thế giới bên kia. Ảnh: Getty |
Thế giới bên kia của Trung Quốc, được gọi là Diyu, là một hệ thống phức tạp gồm các phòng và đường hầm ngầm với mười cấp độ trừng phạt khác nhau - mỗi cấp độ trừng phạt một tội lỗi do linh hồn tạo ra khi họ còn sống.
Bản chất của Hắc Bạch Vô Thường bảo vệ Diyu vĩnh cửu rất khó lường. Họ có thể nhân từ, ban phát sự giàu có, thậm chí là giúp những người có đức hạnh trúng số xổ số nhưng cũng có thể là ác mộng, áp dụng những hình phạt tra tấn dành cho những kẻ đã sống cuộc đời không lành mạnh.
Khi Bạch Vô Thường chết vì đuối nước, miệng của ngài mở rộng, thè lưỡi ra để cố gắng thở trong những giây phút cuối cùng khi còn sống, khuôn mặt ngài cũng trở nên trắng bạch. Ngài mặc áo choàng trắng và đội mũ cao, một tay anh ta cầm quạt. Trong khi đó, khuôn mặt của Hắc Vô Thường chuyển sang màu đen do chết vì treo cổ. Ngài cũng mang theo một cái quạt. Cả hai đều được trang bị dây xích và còng.
Mặc dù chỉ là một trong những vị thần cấp thấp trong hệ thống phân cấp của Diyu, Hắc Bạch Vô thường đảm nhận trách nhiệm to lớn là người bảo vệ và canh gác. Họ tuần tra trên đường phố hàng đêm để tìm linh hồn trôi dạt của những người mới qua đời. Một người mặc đồ đen đòi hỏi sự hợp tác, trong khi người kia mặc đồ trắng tinh khiết, đồng cảm an ủi những tâm hồn bối rối trước cái chết.
Tuy nhiên, Hắc Bạch Vô Thường có nhiệm vụ bổ sung cho nhau. Họ cũng phải duy trì luật pháp và trật tự trong chính Diyu. Để thực hiện điều này, họ phải trừng phạt và tra tấn những linh hồn xấu xa vì tội lỗi mà họ đã gây ra trong đời. Một số hình phạt họ thực hiện bao gồm kéo lưỡi, cắt tai và với những người xấu xa hơn là luộc trong vạc dầu.
Hắc Bạch Vô Thường tốt hay xấu?
Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến những người bảo vệ Trung Quốc ở thế giới bên kia. Nhiều người thường xem Hắc Bạch Vô Thường là những vị thần mơ hồ về mặt đạo đức. Trên thực tế, một số cộng đồng Trung Quốc nhất định coi họ là những vị thần không chính thống. Tuy nhiên, huyền thoại cho rằng Hắc Bạch Vô Thường đã khiến nhiều bọn tội phạm từ bỏ cuộc sống xấu xa, bạo lực vì chúng quá sợ hãi.
Khi các đền thờ tổ chức các nghi lễ, nhiều tín đồ chuyển sang tin rằng bản thân muốn trải qua một cuộc sống có ý thức đạo đức vì không muốn gặp điều xấu khi qua đời. Thậm chí, nhiều người vô đạo đức hoặc có hành động bất hợp pháp cũng từng tuyên bố rằng Hắc Bạch Vô Thường đã giúp xoay chuyển cuộc sống của họ.
Ảnh hưởng của Hắc Bạch Vô Thường đối với đạo đức của những người thờ phượng phản ánh chỗ đứng vững chắc của họ trong văn hóa Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều trẻ em Trung Quốc thường được dạy không được đắp chăn lên mặt vì đó là dấu hiệu của cái chết trong truyền thống Trung Quốc. Nếu Hắc Bạch Vô Thường nhầm chúng đã chết, họ có thể lấy đi linh hồn của chúng.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Historic Mysteries)