Kế hoạch viện trợ 39,8 tỷ USD cho Ukraine đã được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu, làm giảm bớt lo ngại trước đó rằng việc bỏ phiếu bị trì hoãn có thể làm gián đoạn dòng chảy vũ khí của Mỹ trợ cấp cho chính phủ Kiev. Các nhà lãnh đạo Thượng viện Mỹ cũng cho biết họ đã chuẩn bị để đẩy nhanh tiến độ.
Trước đó vào ngày 28/4, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản viện trợ bổ sung 33 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có hơn 20 tỷ USD hỗ trợ quân sự, ông cũng cảnh báo rằng các khoản tiền được ủy quyền trước đó đã cạn kiệt, nhưng các nhà lập pháp Mỹ quyết định tăng gói tài trợ nhân đạo và quân sự đó lên gần 40 tỷ USD.
Đại diện Đảng Dân chủ ông Rosa DeLauro - người chủ trì Ủy ban Chi tiêu Nhà nước, cho biết khi kêu gọi ủng hộ gói chi tiêu: “Gói viện trợ này được xây dựng dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ được Quốc hội bảo đảm, giúp củng cố an ninh nước Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine bảo vệ không chỉ quốc gia của mình mà còn bảo vệ nền dân chủ cho thế giới.”
Hiện đối với đề xuất mới, theo nguồn tin, sẽ có thêm 3,4 tỷ USD viện trợ quân sự và 3,4 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Như vậy, nếu gói viện trợ được thông qua như kế hoạch, tổng chi tiêu của Mỹ cho tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ tăng lên khoảng 54 tỷ USD.
Nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết quân đội có đủ kinh phí để gửi vũ khí tới Kiev chỉ trong hai tuần tới. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc ông John Kirby nói còn khoảng 100 triệu USD có thể được sử dụng thông qua quy định "Thẩm quyền rút vốn của Tổng thống", cho phép tổng thống chuyển giao vũ khí mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/5 đã ký thông qua Đạo luật Cho vay - Cho thuê (Lend - Lease) Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022, cho phép Washington cho các đồng minh mượn hoặc thuê thiết bị quân sự nhanh chóng hơn, đồng thời tuyên bố Mỹ ủng hộ Ukraine trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Thùy Dương (Theo Reuters)