+Aa-
    Zalo

    Hà Tĩnh: Dân thấp thỏm vì nền đường cao hơn nền nhà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều hộ dân sống ven Quốc lộ 1A dọc địa phận thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thấp thỏm, lo âu trước tình trạng nhà mấp mé đường.

    (ĐSPL) -Nhiều hộ dân sống ven Quốc lộ 1A dọc địa phận thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang ngày ngày thấp thỏm, lo âu trước tình trạng nhà mấp mé đường. Đặc biệt, vào những mùa mưa lũ, nước trào vào tận trong nhà người dân, khiến sinh hoạt trở nên vất vả hơn.      
    Quốc lộ 1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài trên 34km, với tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng. Con đường được xây dựng với mục đích giảm ách tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, khi con đường gần hoàn thành, dân chưa kịp vui mừng đã phải đối mặt với những khó khăn mới.
    Đi suốt dọc ven đường Quốc lộ 1A, những ngôi nhà nằm lọt thỏm, thậm chí bị khuất trước con đường cái rộng lớn. Do nền đường được nhà thầu nâng lên quá cao, trung bình từ 0,5 - 1m nên mặc dù ban ngày, nhưng nhìn nhà hộ dân không thấy rõ được đồ đạc bên trong.
    Nhiều ngôi nhà nằm lọt thỏm sau khi nâng cấp, mở rộng QL1A
    Chúng tôi gặp chị Đặng Thị Đào, trú tại khối 3, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh khi đang loay hoay dắt xe máy qua tấm phản đặt xuôi dốc để vào nhà. Chị Đào chia sẻ: “Kể từ khi làm đường, nền nhà tôi bị hạ thấp so với mặt đường, buộc chúng tôi phải xây dựng bậc thang lên xuống. Mỗi lần dắt xe ra, hay đẩy xe xuống lại phải đặt một tấm ván ở giữa rất bất tiện, nhiều khi trời mưa trơn trượt không cẩn thận rất dễ bị ngã”.
    Một số cửa hàng kinh doanh, buôn bán vốn không ổn định, nay lại ngán ngẩm trước hình ảnh quán xá lọt thỏm, nhấp nhô nên đã quyết định bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Một số gia đình không còn cách nào khác phải tự bỏ tiền túi ra xây đắp lại nền nhà.
    Theo phản ánh của người dân địa phương, dự án nâng cấp đường Quốc lộ 1A chỉ cải tạo nâng cấp mặt đường, chứ không thay mới hệ thống thoát nước nên khi mưa to nước không thể thoát kịp. Trong khi đó, nền nhà lại thấp hơn mặt đường, nên tình trạng nhà dân bị ngập úng nghiêm trọng xảy ra như cơm bữa.
    Ông Đồng Văn Giáp, xóm Thượng Gia, xã Thiện Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tỏ ra bức xúc: “Nhà nước mở đường, tôi không biết trong dự án họ nghiên cứu như thế nào khi hàng loạt hộ dân ở đây không được xây dựng hệ thống thoát nước, là bất hợp lý. Mấy trận mưa từ tháng 8 – 10 vừa rồi, đường như một “rãnh khoai” nước đọng, xe chạy té nước cao đến 2 - 3m, tràn thẳng vào nhà. Riêng nhà tôi, kể từ khi làm đường đều phải làm lại toàn bộ từ nhà ra cổng, số tiền bỏ ra cũng lên đến gần 50 triệu đồng. Vợ chồng tôi cũng già rồi, nên bỏ ra số tiền lớn để xây lại nhà cũng là cả một vấn đề”.
    Trời mưa to, nước tràn hết vào nhà dân
    Không những gây mất mĩ quan đô thị, làm xấu nhà dân, việc xây lắp nền đường cao hơn nền nhà, khiến rác thải ứ đọng sau mỗi trận mưa đều theo dòng nước tuồn hết vào nhà dân. Mặc dù đã chuẩn bị rất kĩ càng các biện pháp phòng tránh, nhưng do lượng nước từ trên quốc lộ chảy xuống quá nhiều nên người dân cũng đành phải “bó tay” trước tình trạng ngập úng cục bộ này. Hơn nữa, để chỉnh sửa hoặc xây mới một căn nhà, trung bình tiêu tốn của người dân từ vài chục triệu, vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Đó là một số tiền quá lớn đối với những hộ gia đình kinh tế khó khăn.
    Bác Lê Bá Sửu, trú tại xóm Thượng Gia, xã Thiện Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho hay: “Một số gia đình bị thiệt hại cũng đã được chính quyền bồi thường, nhưng bồi thường không công bằng theo kiểu nhà có nhà không, nhà ít nhà nhiều dẫn đến kiện cáo, bức xúc giữa các hộ dân. Riêng vấn đề phòng tránh mưa lũ, chúng tôi cũng đã phản ánh lên chính quyền nhưng chẳng thấy chủ thầu hay cơ quan chức năng có động thái gì. Với tình trạng này, chúng tôi mong muốn trước mắt chính quyền giải quyết hệ thống thoát nước cho dân, bảo đảm môi trường, bảo đảm độ bền vững cho con đường, chứ cứ để tình trạng nước đọng lâu dài dân không những bị ảnh hưởng mà đường còn rất dễ bị hư hỏng”.
    Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc quản lý dự ánQuốc lộ 1A trên cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được sự phản ánh nào từ người dân. Công trình thi công đều được xây dựng theo dự án đã có sẵn. Việc xây lắp hệ thống thoát nước chỉ dành cho những nơi đông dân cư. Ngoài ra, yêu cầu đền bù người dân đưa ra, chúng tôi không hoàn trả bởi đây là dự án của Nhà nước, chúng tôi cũng như các hộ dân phải tuân theo mà làm thôi”.
    Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đô thị cho rằng, thực trạng nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự tác động của biến đổi khí hậu khiến nền đường của các công trình xây dựng đang bị lún và tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
    Thiết nghĩ, trước khi triển khai một dự án công trình, ban quản lý dự án cũng như các cơ quan chức năng khác cần phải có sự phối hợp, thảo luận giữa chính quyền địa phương, nhân dân và chủ đầu tư để tạo sự đồng thuận từ phía người dân, nhằm khắc phục những vướng mắc đang tồn đọng.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-tinh-dan-thap-thom-vi-nen-duong-cao-hon-nen-nha-a80354.html
    Đồng Nai: Hàng trăm hộ dân bức xúc vì mất đường đi

    Đồng Nai: Hàng trăm hộ dân bức xúc vì mất đường đi

    (ĐSPL) - Theo phản ánh của người dân ở ấp 1 và ấp 6, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai thì hàng trăm hộ dân hiện nay đang bị mất đường vì cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra nếu cao tốc thông xe thì vài chục hộ dân sẽ có nguy cơ bị cô lập trong nhà vì không còn đường để đi...

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đồng Nai: Hàng trăm hộ dân bức xúc vì mất đường đi

    Đồng Nai: Hàng trăm hộ dân bức xúc vì mất đường đi

    (ĐSPL) - Theo phản ánh của người dân ở ấp 1 và ấp 6, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai thì hàng trăm hộ dân hiện nay đang bị mất đường vì cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra nếu cao tốc thông xe thì vài chục hộ dân sẽ có nguy cơ bị cô lập trong nhà vì không còn đường để đi...