Hà Nội yêu cầu các địa phương rà soát những trường hợp về từ Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác. Những người này cần lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày.
Y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người về từ Hải Dương. Ảnh: Người Lao Động |
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Hà Nội, tại phiên họp số 91.
Ban chỉ đạo nhận định trước tình hình tiếp tục có người mắc, đặc biệt trên địa bàn TP xuất hiện ca bệnh phức tạp, tạm thời chưa xác định được nguồn gốc lây bệnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, TP nâng mức ứng phó để khống chế dịch bệnh lây lan.
Trong thời gian tới, UBND TP đề nghị các đơn vị tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn rà soát, thông báo toàn bộ các trường hợp về từ Hải Dương (thời điểm từ 0h ngày 2/2/2021) và các ổ dịch tại các tỉnh, TP khác (trong thời gian 14 ngày vừa qua): Lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày (nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính); chủ động liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
Với những người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương thì UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định cách ly tại nhà (thời gian đủ 14 ngày kể từ khi rời ổ dịch, nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính), lấy mẫu xét nghiệm.
TP cũng đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà đảm bảo đúng quy định.
Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (CDC) phối hợp các bệnh viện, các đơn vị y tế của Trung ương đóng trên địa bàn tập trung mở rộng xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên, được sắp xếp như sau: Các trường hợp về từ tỉnh Hải Dương (thời điểm từ 0h ngày 2/2/2021): ưu tiên các huyện, TP thuộc tỉnh Hải Dương có ổ dịch phức tạp sau đó đến các huyện còn lại (thời gian hoàn thành chậm nhất trong ngày 2/2/2021).
Tiếp đến là các trường hợp về từ các ổ dịch của các tỉnh, thành phố khác đã ghi nhận ca nhiễm trong thời gian 14 ngày vừa qua.
Thứ ba, là nhóm đối tượng ngẫu nhiên tại các khu vực có nguy cơ cao: Nhà máy, nơi có nhiều người từ các địa phương khác trở về, đặc biệt nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc (do Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, CDC đề xuất).
Cuối cùng là đội ngũ y tế phòng chống dịch, ưu tiên các nơi có nguy cơ phơi nhiễm cao, cán bộ trong các khu cách ly tại các khu vực đang phòng chống dịch, quân đội, công an.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch; xây dựng phương án phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị khi người lao động trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết.
TP cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên như: Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn trong cơ sở, khuyến khích làm việc trực tuyến.
Các đơn vị kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây chéo trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo báo cáo của sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27/1/2021 đến nay, ghi nhận 35 ca mắc, 0 ca tử vong. Trong đó số ca mắc theo quận, huyện: Nam Từ Liêm (13); Đông Anh (5); Cầu Giấy (6); Mê Linh (5); Hai Bà Trưng (2); Tây Hồ (2); Đống Đa (1); Ba Đình (1).
Tại các địa điểm liên quan đến BN2229 và KS Sommerset WestPoint đã lấy 586 mẫu trong đó có 02 ca dương tính (BN2234, BN2240), còn lại 584 mẫu âm tính.
Bạch Hiền (t/h)