Thông tin từ Tập đoàn Trí Nam, sau hơn một năm thí điểm (từ 24/8/2023 đến nay), Tập đoàn đã triển khai hơn 700 xe đạp tại 88 điểm ở 6 quận được phép cho hoạt động thí điểm. Người dân sử dụng xe đạp công cộng đi học, đi làm và cả đi chơi.
Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp thông tin, đến nay, dịch vụ xe đạp công cộng đã thu hút hơn 208 nghìn khách đăng ký, trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. Có gần 340 nghìn chuyến đi được thực hiện từ khi thí điểm đến nay, trung bình mỗi ngày hơn 1.100 chuyến. Trên toàn bộ khu vực triển khai thực hiện thí điểm chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến hoạt động của xe đạp đô thị.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Trí Nam, dù được miễn phí sử dụng vỉa hè, dịch vụ cho thuê xe đạp vẫn chưa thể có lãi khi chi phí đầu tư giai đoạn đầu là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu mới chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng.
Thông tin từ chuyên trang Giao thông Hà Nội, Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dịch vụ xe đạp đô thị bước đầu đã có được kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, thông minh và giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Việc triển khai xe đạp đô thị phù hợp với xu hướng phát triển giao thông công cộng xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngắn, linh hoạt của người dân.
Dịch vụ cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân.
Phía UBND TP Hà Nội, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng khẳng định, xe đạp công cộng phù hợp với xu thế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
"Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân", ông Quyền nói.