Báo Giáo dục thời đại đưa tin, theo nội dung báo cáo của Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) tại Hội nghị, trong học kỳ 1 năm học 2023-2024, các trường THPT trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học ở các nhà trường tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy - học, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Theo ngành giáo dục địa phương, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi theo Thông tư số 58/TT-BGDĐT (áp dụng cho học sinh lớp 12) và xếp loại tốt theo Thông tư số 22/TT-BGDĐT (áp dụng cho học sinh lớp 10 và 11) tăng lên đáng kể.
Theo thống kê về kết quả học kỳ 1 năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh lớp 12 của thành phố xếp loại học lực giỏi đạt hơn 67%; tỷ lệ học sinh lớp 10 và 11 xếp loại học lực tốt đạt gần 50%.
Năm học 2023-2024, cấp THPT thành phố Hà Nội có 237 trường với gần 303.000 học sinh, hơn 17.000 giáo viên.
Đưa tin về Hội nghị của ngành giáo dục Thủ đô, theo báo Lao động, trong học kỳ II năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường tiếp tục triển khai hiệu quả việc tự chủ kế hoạch dạy học, kế hoạch bài học phù hợp với thực tiễn nhà trường, kiểm tra và rút kinh nghiệm với lớp 8 và các lớp khác của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo việc đổi mới hình thức, phương pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT; quản lý chặt việc dạy học bổ trợ, dạy thêm, học thêm, dạy học tăng cường trong nhà trường.
Đồng thời, Sở GD&ĐT nêu rõ các đơn vị đào tạo cần tập trung chuẩn bị tốt cho công tác xét tốt nghiệp trung học cơ sở và kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025.
Hội nghị cũng nhấn mạnh, trong học kỳ II, cấp THCS TP Hà Nội sẽ chuẩn bị tổ chức đánh giá việc dạy học và sử dụng sách giáo khoa lớp 8, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 9 - lớp cuối cùng trong lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Sở GD&ĐT đánh giá cao, các đơn vị, nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ I năm học 2023-2024. Toàn ngành hoàn thành mục tiêu thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học.
Đến thời điểm này, các nhà trường đều đã bắt nhịp nhanh với chương trình, sách giáo khoa lớp 8 - khối lớp đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý… đã dần được tháo gỡ.
Bảo An(T/h)