Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 1/9, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6 ổ dịch diễn biến phức tạp, với tổng số ca bệnh COVID-19 lên tới 652 trường hợp, bao gồm:
- Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng (bùng phát từ 24/8): 45 ca.
- Ổ dịch Tân lập (bùng phát từ 28/8): 14 ca.
- Ổ dịch Chợ Ngọc Hà (bùng phát từ 28/8): 16 ca.
- Ổ dịch Thanh Xuân Trung (bùng phát từ 23/8): 381 ca.
- Ổ dịch Văn Miếu (bùng phát từ 30/7): 107 ca.
- Ổ dịch Văn Chương (bùng phát từ 17/7): 89 ca.
Trong đó, khu vực "nóng" nhất hiện nay là ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Cụ thể, tính từ ngày 23/8 tới hết ngày 1/9, tổng cộng 381 ca bệnh COVID-19 có liên quan tới ổ dịch này đã được ghi nhận, tập trung chủ yếu tại 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Đây là chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, được phát hiện thông qua 2 người sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng.
Theo Nhịp sống Việt, các bệnh nhân được ghi nhận bao gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà.
TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam nhận định: "Đặc thù của khu vực này là đông dân, nhiều ngõ ngách, bên trong là nhiều khu trọ chật hẹp, các khu tập thể cũ. Mật độ dân đông kèm theo thói quen sinh hoạt cộng đồng khiến tần suất tiếp xúc của người dân ở đây khá cao. Do đó, nguy cơ dịch lây lan rộng và bùng phát mạnh ở khu vực này là luôn hiện hữu".
Dân Trí cho biết, từ ngày 26/8, lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 người đã được yêu cầu không ra khỏi khu vực.
Tối 1/9, quận Thanh Xuân đã tổ chức di dời đợt 1 đối với các hộ dân thuộc diện tình nguyện và trong khu vực nguy hiểm ra khỏi 2 ngõ trên. Các hộ dân sẽ được di dời đến ở tại ký túc xá của Đại học FPT, Hòa Lạc.
Theo ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, chỉ ra các trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian qua tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung chủ yếu đều lây nhiễm từ chính thành viên trong gia đình. Qua đó, ông Dũng nhấn mạnh nếu trong gia đình đã có F0 thì hầu hết các thành viên còn lại đều có khả năng lây nhiễm vì biến thể virus này lây lan nhanh và đặc thù sinh hoạt, chung sống cùng một chỗ của các gia đình.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang nỗ lực xét nghiệm sàng lọc, truy vết F1 thần tốc, giảm dần mật độ để nhanh chóng kiểm soát ổ dịch trên. Quận Thanh Xuân đã thiết lập rào chắn tại tất cả các ngõ ngách, lập 13 chốt kiểm soát cứng có lực lượng công an, dân quân tự vệ canh giữ. Ngoài ra, quận đã lắp đặt 10 camera để theo dõi, giám sát khu vực phong tỏa 24/24h. Hệ thống camera này được kết nối về màn hình theo dõi được đặt tại trụ sở Công an phường.
Hai ổ dịch phường Văn Chương và phường Văn Miếu, quận Đống Đa: Hai ổ dịch này khởi phát từ ngày 30/7 nhưng đến nay, vẫn ghi nhận thêm các ca bệnh mới. Sáng 1/9, phường Văn Miếu tiếp tục phát hiện 3 ca trong khu phong tỏa, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 lên 107 trường hợp. Trong khi đó, ổ dịch phương Văn Miếu hiện đã có 89 F0.
Được biết, 2 ổ dịch này có đặc thù giống với ổ dịch phương Thanh Xuân Trung bao gồm "phố nhỏ, ngõ nhỏ, người đông" và người dân có thói quen sinh hoạt cộng đồng.
Ngày 21/8, quận Đống Đa đã có quyết định cách ly y tế toàn bộ 2 phường Văn Chương và Văn Miếu trong thời gian từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 4/9.
Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, quận Hoàng Mai: Ổ dịch này xuất phát từ ngày 24/8, khi 4 lái xe chở hàng "luồng xanh" trở về từ TP.HCM nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này là lái xe của Công ty TNHH Hiền Phước. Sau khi ra Hà Nội, 4 trường hợp dương tính trên đã tiếp xúc với 13 nhân viên của Công ty TNHH Hiền Phước (ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai).
Theo Nhịp sống Việt, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho biết ban đầu địa phương chỉ phong tỏa tạm thời từ đầu ngõ 286 đường Giáp Bát đến cuối ngõ 897 Giải Phóng và các ngách thuộc khu dân cư số 9, gồm 210 hộ với 789 nhân khẩu. Tuy nhiên, do xuất hiện thêm nhiều F0, phường đã xin ý kiến quận Hoàng Mai để mở rộng vùng phong tỏa.
Theo đó, vùng cách ly y tế đã được mở rộng, bao gồm 492 hộ dân với 1.903 nhân khẩu, trong vòng 14 ngày, từ 12h ngày 25/8 đến 12h ngày 8/9.
Tính đến nay, chùm ca bệnh này đã ghi nhận 45 F0, trong đó có 43 trường hợp ở quận Hoàng Mai, một trường hợp ở huyện Thanh Trì và một trường hợp tại huyện Thường Tín. Hiện ngõ 24 Kim Đồng được coi là ổ dịch lớn nhất của phường.
Ổ dịch xã Tân Lập, huyện Đan Phượng:Ổ dịch khởi phát ngày 28/8, liên quan người về từ quận Đống Đa, đến sáng 1/9 có tổng 12 ca.
Theo đó, huyện Đan Phượng đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ ngõ 45 (ngõ Cây Si), đường Đan Hội, cụm 9, xã Tân Lập (bao gồm 39 hộ dân, 110 nhân khẩu, diện tích 11.000m2); toàn bộ ngõ 128 (xóm Chùa) đường 422, cụm 11, xã Tân Lập (bao gồm 44 hộ dân, 172 nhân khẩu, diện tích 9.500m2).
Hiện nay, Trung tâm Y tế phối hợp với UBND xã Tân Lập tiếp tục điều tra, truy vết, rà soát triệt để các trường hợp liên quan đến các ca bệnh để thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định; quản lý chặt chẽ, không để các trường hợp này tiếp xúc với người khác; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân trong khu vực cách ly y tế bảo đảm nhanh nhất và thực hiện giãn cách theo quy định phòng, chống dịch.
Ổ dịch chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình: Ổ dịch khởi phát từ ngày 28/8, tính đến hết 1/9 có 16 ca, trong đó 15 ca có địa chỉ tại Ba Đình, một ca có địa chỉ tại Đan Phượng.
Theo đó, tính từ đêm 27/8, quận Ba Đình đã tạm thời dừng hoạt động chợ Ngọc Hà cho đến khi có thông báo mới, đồng thời phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình ngày 28/8 thông báo khẩn, yêu cầu tất cả những người từng đến chợ Ngọc Hà, phường Đội Cấn từ 3h ngày 21/8 đến 17h ngày 27/8, cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Y tế gần nhất.
Minh Hạnh (T/h)