Theo Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP. Hà Nội có hiệu lực từ 1/1/2025, về việc thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ), Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ vì các khu vực này đã tổ chức phố đi bộ và cấm phương tiện vào cuối tuần.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí, sau khi Nghị quyết được thông qua, TP. Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân nơi thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện. Hiện nay, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có các biện pháp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng LEZ; đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng LEZ, các tổ chức, doanh nghiêp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách TP và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng LEZ; các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.