Trong công văn số 4085/UBND-TNMT, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Theo chỉ đạo, các địa phương cần đánh giá hiệu quả của việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đặc biệt tránh tổ chức đấu giá tại khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Những khu đất này có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ tái định cư hoặc công trình công cộng, góp phần hỗ trợ các dự án trên địa bàn.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật, rà soát, chấn chỉnh công tác đấu giá theo các văn bản chỉ đạo trước đó của Chính phủ và thành phố. Các quận, huyện, thị xã cần chủ động đề xuất giải pháp cụ thể để tổ chức đấu giá chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy được giao nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong thực hiện biện pháp ổn định thị trường bất động sản, tránh phát sinh các vấn đề phức tạp.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND thành phố trong tháng 2/2025.
Chỉ đạo này thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc tăng cường quản lý đất đai, bảo đảm công tác đấu giá được thực hiện đúng quy định, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Trước đó, vụ việc đấu giá 58 lô đất tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội ngày 29/11 vừa qua gây rất nhiều bức xúc trong dư luận. Khi 1 trong 58 lô đấu giá tại Sóc Sơn được trả tới 30 tỷ đồng/m2, nhưng đến vòng cuối cùng thì tất cả những người “thổi giá” đều đồng loạt bỏ cuộc, chỉ còn lại 22/58 lô đất đấu giá thành công.
Theo cơ quan chức năng, phần lớn các buổi đấu giá đều ghi nhận sự tham gia từ doanh nghiệp nhà đất hoặc những đội nhóm môi giới bất động sản nên khả năng có sự liên kết, thông đồng đẩy giá, nếu không hợp ý sẽ tự ý trả giá kiểu “phá bĩnh” để lô đất bị treo, đấu không thành công. Điều này gây ra khó khăn cho phía cơ quan quản lý Nhà nước, lãng phí nguồn lực tổ chức và tiêu thu ngân sách của các địa phương.