Theo đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các cấp huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; đảm bảo thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán, đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Cùng với đó, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc; tạo nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững cho các địa phương và thành phố và xử lý dứt điểm việc hình thành, tồn tại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.
Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có khoảng 543 chợ truyền thống. Mô hình chợ này đảm nhận khoảng hơn 50% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%. Trong số đó, các chợ cóc, chợ tạm luôn là bài toán nan giải với các cơ quan quản lý đô thị tại địa bàn Hà Nội. Bởi những điểm chợ này mang lại là những hệ luỵ về an ninh trật tự, an toàn giao thông,... và đặc biệt về vệ sinh môi trường.
Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2025 xây mới 34 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 71 chợ, đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.
90% chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng; 100% chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng...; 100% xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố…