Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đang tiến hành thanh kiểm tra chuỗi cửa hàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso tại Hà Nội.
Ngày 11/5, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã kiểm tra 2/5 cửa hàng của Mumuso tại Hà Nội.
"Sau khi kiểm tra tất cả các cửa hàng Mumuso, đơn vị sẽ đưa ra kết luận cụ thể về những sai phạm (nếu có) tại cơ sở kinh doanh này.", đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội làm việc với quản lý của một cửa hàng Mumuso |
Trước đó, trên chương trình Morning Power Station của đài MBC (Hàn Quốc) đã đăng tải phóng sự về "nguồn gốc" thật của Mumuso. Đoạn phóng sự đặt ra một loạt các câu hỏi: Mumuso là thương hiệu đến từ Hàn Quốc hay chỉ là sản phẩm giả mạo, mang danh Hàn Quốc để lừa gạt người tiêu dùng?
Để tìm lời giải đáp, ê kíp thực hiện phóng sự đã sang tận Việt Nam để trực tiếp tham quan hệ thống bán lẻ Mumuso cũng như thu thập ý kiến của người người mua hàng.
Theo đó, đoạn phóng sự chỉ ra, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều tin rằng sản phẩm được bày bán trong hệ thống cửa hàng Mumuso thật sự đến từ Hàn Quốc. Ngay cả những nhân viên làm việc tại cửa hàng cũng khẳng định hàng hóa nơi đây được nhập khẩu từ xứ sở kim chi.
Trang tin của đài SBS nghi ngờ Mumuso là thương hiệu bán hàng mạo danh Hàn Quốc. Ảnh: SBS |
Là chuỗi cửa hàng bán lẻ những sản phẩm chuyên dụng để làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, thời trang... những thông tin trên nhãn mác khiến khách hàng tin rằng đây là các sản phẩm đến từ Hàn Quốc và đương nhiên là với cả... chất lượng Hàn Quốc.
Điều đáng nói, dù có tới 300 cửa hàng tại Trung Quốc, cũng như hàng loạt các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Việt Nam... nhưng ngay trên "quê hương" Hàn Quốc lại không tồn tại bất kỳ cửa hàng nào thuộc hệ thống bán lẻ này.
Tìm hiểu sâu hơn, ê kíp làm phóng sự phát hiện trụ sở chính của Mumuso lại được đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc). Trên bao bì cũng ghi rõ, xuất xứ của hầu hết các sản phẩm thuộc thương hiệu này đến từ Trung Quốc.
Sự giống nhau đến ngỡ ngàng của sản phẩm Mumuso và sản phẩm tại Hàn Quốc. Ảnh: SBS |
Tiếp tục "đào" sâu hơn vào bao bì sản phẩm, ê kíp phát hiện ra thông tin được ghi trên bao bì dù được viết bằng chữ Hàn nhưng dịch ra đều không có nghĩa. Trên giao diện trang web chính thức, Mumuso cũng chỉ để dòng chữ Hàn với nội dung ngắn gọn "Chúng tôi đến từ Hàn Quốc".
Điều quan trọng nhất là ê kíp phóng sự đã phát hiện ra các sản phẩm làm đẹp có bao bì và thiết kế giống với sản phẩm của các thương hiệu mỹ phẩm có tiếng tại Hàn Quốc. Điểm khác biệt duy nhất giữa các sản phẩm này chỉ là tên thương hiệu và nếu để cạnh nhau thì ngay cả người tiêu dùng xứ Hàn cũng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm của Hàn Quốc và đâu là sản phẩm "nhái" được bày bán tại Mumuso.
Trong đoạn phóng sự, nhóm thực hiện đã tới địa chỉ văn phòng tại Hàn Quốc được ghi trên bao bì của Mumuso. Tại đây, ê kíp chỉ gặp được một người phụ nữ được cho là làm thông dịch viên và khi được hỏi về Mumuso, người phụ nữ này khẳng định đây không phải là địa chỉ văn phòng công ty. Người phụ nữ này cũng cho biết, không hề biết văn phòng Mumuso ở đâu bởi chỉ từng thông dịch cho thương hiệu này khi nó mới được thành lập.
Với giá thành rẻ và được cho là đến từ Hàn Quốc, các sản phẩm của Mumuso dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam |
Sau hơn 1 năm hoạt động tại Việt Nam, Mumuso đã phát triển lớn mạnh với 27 cửa hàng trên cả nước với 200.000 khách hàng thành viên, lượng khách mỗi ngày lên đến 25.000 người/ngày.
Được biết, Mumuso được đưa về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền và văn phòng ở Hàn Quốc chỉ xác lập quyền sở hữu trí tuệ và R&D.
Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời và thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Đăng Khoa