Hà Nội cho phá dỡ khoảng 300 m đường gốm sứ tại đê sông Hồng là việc làm bất khả kháng nhằm mở rộng đường, giảm ùn tắc giao thông…
Theo Dân trí, chiều 9/6, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, ông Phạm Thanh Học, Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết lý do của việc phá dỡ tuyến đường gốm sứ gây xôn xao dư luận thời gian qua là để làm cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên.
Ông Phạm Thanh Học cho hay, đây cũng là việc làm cực chẳng đã để đáp ứng yêu cầu mở rộng đoạn đường tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại khu vực. Cụ thể, để mở đường thì buộc phải phá dỡ một đoạn tường chắn đê bê tông, cốt thép gắn gốm sứ ở đây.
Số liệu cụ thể, thành phố sẽ phải phá dỡ 991 m2 mặt tường gắn gốm sứ, với chiều dài cả đoạn đường là khoảng 300 m. Dự án này được triển khai trên tinh thần đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiên cứu và đủ căn cứ để triển khai.
Hà Nội thừa nhận việc phá dỡ con đường gốm sứ là bất khả kháng. Ảnh: Lao động |
Chủ đầu tư dự án - Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, để triển khai theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phải thực hiện phá dỡ một đoạn đường gốm sứ chiều dài khoảng gần 300 m, từ nút khách sạn Thắng Lợi đến ngã ba Xuân Diệu.
Về vấn đề này Ban quản lý dự án đã họp và lấy ý kiến các sở ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định, phê duyệt, phương án. Mặc dù nghiên cứu nhiều phương án nhưng vẫn phải phá thay thế một đoạn đê gốm sứ, vấn đề này là bất khả kháng.
Ban quản lý dự án đã báo cáo và UBND TP.Hà Nội đã có chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường bê tông cốt thép mới và vẫn tiếp tục duy trì, phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng và là nét đẹp văn hoá độc đáo của Thủ đô Hà Nội.
Theo thông tin từ Lao động, con đường gốm sứ bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp.
Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".
Vũ Đậu(T/h)