Sở Y tế Hà Nội thông tin, tính riêng giai đoạn Thủ đô bắt đầu chiến lược "thích ứng COVID-19" đã có 246.719 F0 được ghi nhận.
Các địa bàn phát hiện nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất bao gồm: Hoàng Mai (18.061 ca), Đông Anh (14.747 ca), Đống Đa (14.676 ca), Nam Từ Liêm (13.862 ca), Long Biên (11.857 ca).
Theo số liệu từ cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 26/2, Hà Nội có 459.363 bệnh nhân điều trị tại nhà, 1.141 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 5.915 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 3.870 F0 ở mức độ trung bình, 964 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 848 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 19 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 58 ca thở máy không xâm lấn; 36 ca phải thở máy xâm lấn; 2 ca lọc máu, một ca can thiệp ECMO.
Số bệnh nhân COVID-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội từ khi dịch bùng phát đến nay là 1.073 ca.
Hiện, Hà Nội đã ghi nhận 74 phường, xã ở cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Toàn TP.Hà Nội không có địa bàn cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao); số địa bàn cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp) giảm 216 xã, phường (từ trên 86% xuống còn gần 49%); phường, xã cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) tăng từ 80 tuần trước lên 222.
Số ca mắc mới tăng cao cũng gây tâm lý hoang mang cho người dân, đã xuất hiện tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá đột biến; Người dân xếp hàng ở y tế phường để làm xét nghiệm, xin giấy xác nhận là F0...
Trong công điện ban hành tối 24/2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và TP.
Thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh "tâm lý chủ quan" hoặc "hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết".
Việt Hương (T/h)