+Aa-
    Zalo

    Hà Nội nắng nóng gay gắt, ngoài trời có thể đến 44 độ: Cần làm gì để tránh sốc nhiệt?

    (ĐS&PL) - Dự báo thời tiết Hà Nội, đợt cao điểm nắng nóng lần này rơi vào các ngày 17-21/6, mức nhiệt cảm nhận ngoài trời có thể lên tới 44 độ C.

    Trang Accuweather dự báo Hà Nội ghi nhận mức nhiệt gia tăng nhanh trên 38 độ vào ngày 17/6 và duy trì tình trạng này trong suốt tuần tới. Cao điểm của đợt nắng nóng lần này rơi vào các ngày 17-21/6, mức nhiệt cảm nhận ngoài trời có thể lên tới 44 độ C.

    Đặc điểm của đợt nắng nóng lần này là tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Những nơi khác ở vùng núi, trung du Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ cũng ghi nhận nắng nóng nhưng không quá gay gắt, nhiều địa phương còn có nền nhiệt thấp dưới 34 độ C.

    Cơ quan khí tượng cảnh báo ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, người dân đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.

    Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

    Biểu hiện của sốc nhiệt

    Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường.

    Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

    Hà Nội nắng nóng gay gắt, ngoài trời có thể đến 44 độ C. Ảnh minh họa

    Hà Nội nắng nóng gay gắt, ngoài trời có thể đến 44 độ C. Ảnh minh họa 

    Sốc nhiệt có thể khởi phát có thể đột ngột hoặc từ từ. Một số biểu hiện của sốc nhiệt là:

    Ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, choáng hoặc ngất.

    Sốt cao trên 39 - 40 độ C

    Da khô, nóng.

    Rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay rồi đưa đi cấp cứu.

    Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt cấp cứu muộn thường là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong.

    Những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt

    Người già, trẻ em, phụ nữ: Là những người có khả năng chịu đựng kém

    Người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư,...

    Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,...

    Các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ.

    Cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt

    Sốc nhiệt có thể xảy ra trong vòng vài phút và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

    Khi phát hiện người bị sốc nhiệt phải lập tức đưa đến nơi thoáng mát.

    Sau đó, giúp người bệnh cởi bớt quần áo và cho họ uống nước có pha muối, nước chanh hoặc nước bột sắn dây…

    Chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như cổ, nách, bẹn và lưng. Đây là nơi có rất nhiều mạch máu gần với da nên việc làm mát ở những khu vực này có thể làm giảm nhanh nhiệt độ của cơ thể.

    Nếu thấy bệnh nhân có những triệu chứng nặng như buồn nôn, sốt cao hay hôn mê thì cần phải chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

    Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,... dễ có khả năng bị sốc nhiệt. Ảnh minh họa

    Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,... dễ có khả năng bị sốc nhiệt. Ảnh minh họa 

    Nên làm gì để tránh bị sốc nhiệt?

    Luôn che chắn khi ra ngoài trời

    • Mặc áo chống nắng: Áo khoác chống nắng thường được thiết kế với chất liệu có thể ngăn ngừa cả tia UV và làm giảm hấp thụ nhiệt, rất thích hợp để bảo vệ sức khỏe khỏi ánh nắng gay gắt, nhất là vào những ngày hè. Hiện nay ngày càng có nhiều loại áo chống nắng tốt, mẫu mã không chỉ cho phụ nữ mà còn cho cả trẻ em, người lớn và các đấng mày râu để bảo vệ sức khỏe và cả làn da.
    • Khăn che: Che đầu và khuôn mặt trong khi đi du lịch.
    • Che ô/dù: Nếu đi bộ để bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.
    • Đội mũ khi ra trời nắng: Không chỉ che chắn phần đầu, mà phần gáy cũng cần được bảo vệ khỏi nắng nóng vì đây là phần da vô cùng nhạy cảm.
    • Che chắn phần gáy (sau cổ): Trung khu điều nhiệt của cơ thể nằm ở vùng gáy. Ánh nắng chiếu thẳng vào gáy có thể làm trung khu tê liệt và mất khả năng điều khiển thân nhiệt. Do đó, che kín gáy bằng cách đội mũ rộng vành, mặc áo có cổ cao, hoặc sử dụng khăn che mặt rộng có thể vòng ra sau che phủ phần gáy khi đi ra ngoài trời nắng nóng là điều rất cần thiết..
    • Đối với người lao động: Để phòng tránh sốc nhiệt, người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi làm việc ngoài trời.
    • Thời gian tiếp xúc với nắng nóng: Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu.

    Duy trì độ ẩm cơ thể

    Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi phải làm việc hoặc đi ngoài trời nắng nóng. Cơ thể thường mất nhiều nước và điện giải do nhiệt vào mùa hè. Để sẵn một ít muối, đường và nước bên cạnh và bổ sung chúng bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Điều này sẽ giúp duy trì cân bằng nước và điện giải suốt ngày.

    Tránh uống rượu và cafein

    Rượu và cafein đều làm cơ thể bị mất nước khiến cơ thể dễ bị kiệt sức do nhiệt.

    Ăn nhẹ

    Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa. Tránh đồ ăn vặt, thay vào đó là các bữa nhẹ hoa quả và salad giúp dễ tiêu, cung cấp năng lượng và có tính mát. Cần hạn chế một số gia vị hoặc đồ ăn có tính cay, nóng vì có thế làm cơ thể nóng hơn, khó chịu.

    Bôi kem chống nắng

    Ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến cháy nắng và hình thành sắc tố. Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Cần lưu ý thêm về chọn kem chống nắng có chỉ số SPF và PA phù hợp.

    Đeo kính râm

    Tiếp xúc với ánh nắng chói chang, lại chứa tia UV trong suốt mùa hè có thể làm tổn thương đôi mắt, gây ra nhiều bệnh mắt như: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, khô mắt,... Đeo kính râm khi ra ngoài sẽ giúp bảo vệ đôi mắt.

    Tăng cường rèn luyện sức khỏe

    Rèn luyện sức khỏe không chỉ khiến cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống hơn, mà còn giúp tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-nang-nong-gay-gat-ngoai-troi-co-the-en-44-o-can-lam-gi-e-tranh-soc-nhiet-a435245.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan