Chỉ đường đòi tiền công, lừa khách du lịch đi đường vòng để tính thêm tiền taxi, dịch vụ ăn uống cứ thấy khách lạ là “chặt chém”…Họ kiếm tiền bằng đủ mọi cách, thậm chí bằng mọi giá.
Xe ôm đòi tiền chỉ đường
“Sợ nhất xe ôm Hà Nội”, đó là chia sẻ của chị Thúy quê ở Lào Cai, hiện đang làm việc ở Hà Nội. Mỗi lần chị phải ra bến xe, ga tàu để về quê là mỗi lần hãi hùng kiểu hành xử của các ông xe ôm. Không chỉ chèo kéo khách, họ còn hét giá vô tội vạ, tìm mọi cách để kiếm tiền.
“Tôi làm việc ở Hà Nội đã được vài năm nhưng ít đi lại nên không phải đường nào cũng thông thạo. Tết mang xe máy về quê, đến cửa ga Lê Duẩn (ga A) rồi mới biết chỗ gửi xe lên tàu là bên cửa ga Trần Quý Cáp (ga B). Ga A và ga B cách nhau không xa, nhưng khu vực đó nhiều đường một chiều nên tôi không thạo, liền hỏi bác xe ôm ngoài cửa ga thì bác ta nói một câu tỉnh bơ “đưa chú 20 ngàn chú dẫn đường cho, không biết đường đi vòng vèo là tí muộn tàu đấy”, chị Thúy kể.
Ảnh minh họa |
Taxi lừa khách đi đường vòng
Đồng hồ tính tiền chạy vèo vèo, đưa đi đường vòng để tính thêm tiền cước… không còn là chuyện hiếm xảy ra khi bắt taxi “dù” ở Hà Nội.
Chị Minh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: “Có lần vội quá bắt tạm chiếc taxi từ đường Cầu Giấy ra Trần Duy Hưng, vừa đi được một lúc đã thấy đồng hồ chỉ 50 ngàn đồng, tôi giật mình mới để ý, thì thấy đồng hồ tính cước cứ chạy vèo vèo, đến chỗ xuống đã 109 ngàn đồng. Trong khi quãng đường chỉ gần 4km, tôi thắc mắc thì anh taxi chỉ nói gọn lỏn “cứ tính theo đồng hồ thôi”,điên tiết lắm mà không làm gì được.
Còn hai bác từ quê ra chơi, đi taxi từ ga Hà Nội về đến đường Cầu Giấy mà hết 250 ngàn. Trong khi quãng đường chỉ khoảng 8km. Hai bác không biết đường nên bị anh taxi kia cho đi đường vòng ngắm Hà Nội mà không biết”.
Chị Minh còn cho biết, có hiện tượng taxi ở cửa bến xe Mỹ Đình từ chối chở khách đi chặng ngắn, hoặc có chở thì không chạy theo đồng hồ. “Mấy lần ra bến xe, chiều đi bắt taxi hãng từ nhà đến đó hết có 28-30 ngàn. Chiều về từ cửa bến xe chỉ có taxi “dù” đỗ ở đó, bảo ra đường Cầu Giấy không xe nào thèm chở. Hoặc có chở thì họ đòi 50-60 ngàn mới chở chứ không chạy theo đồng hồ”, chị Minh kể.
Quán xá “chặt chém” khách lạ
Chuyện hàng quán ở các điểm du lịch “chặt chém” khách vào những ngày lễ, Tết không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lễ hội là báo chí đưa tin, chính quyền vào cuộc nhưng vẫn không thể dẹp yên được vấn nạn này. Kinh doanh kiểu cơ chội, “chặt chém” khách vẫn diễn ra hằng ngày, chẳng cần phải lễ, Tết.
Hàng quán tại các khu du lịch khiến khách thập phương khiếp vía bởi kiểu kinh doanh chộp giật, cơ hội. Ảnh: Kim Minh |
Anh Lê Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mua chai nước khoáng ở khu du lịch 15-20 ngàn là chuyện thường. Có lần tôi còn phải trả 50 ngàn cho 1 đĩa hướng dương, 10 ngàn 1 cốc trà đá ở sân vận động Mỹ Đình”.
Cũng theo kiểu kinh doanh chộp giật này, không ít quán xá ở các điểm vui chơi, du lịch thường đưa ra hai giá, một giá cho khách quen, khách bản địa, và một giá cho khách lạ, khách du lịch. Hễ cứ thấy khách lạ vào quán là họ thi nhau hét giá, tính tiền vô tội vạ.
“Khách nào “tỉnh” hỏi giá trước khi ăn thì không sao, nhưng khách nào ăn xong mới gọi tính tiền thì y như rằng bát bún 25 ngàn đã bị tính tăng lên 40-50 ngàn”, anh Nam chia sẻ thêm.
Linh Chi (theo Vietnamnet)