Do sức mạnh của đồng USD thay đổi, cũng như sự trượt giá của nhiều đồng tiền khác, bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm nay đã có sự thay đổi lớn.
Đáng ngạc nhiên là các nền kinh tế đang phát triển lại có giá nhà thuộc loại đắt nhất thế giới. Theo chỉ số khả năng chi trả cho nhà ở toàn cầu của Bloomberg, trong số 20 thành phố có giá nhà đắt nhất so với thu nhập, 7 thành phố nằm ở châu Á và 6 ở Nam Mỹ.
Đứng đầu là thủ đô Caracas của Venezuela. Ở một thành phố với mức lương trung bình chỉ 31 USD/tháng, tiền để thuê một căn hộ 3 phòng ngủ là 416 USD/tháng, và mức thanh toán cho khoản vay thế chấp trung bình cho 1 căn hộ 93 m2/tháng là 1971 USD.
Bảng thống kê top 10 thành phố có giá nhà đất đắt nhất thế giới. |
Mức thu nhập bình quân của người Hà Nội là 275 USD/tháng, tiền thuê căn hộ 3 phòng ngủ cao gấp 2,6 lần thu nhập, còn mức thanh toán cho khoản vay thế chấp cho 1 căn hộ 93 m2/tháng cao gấp 4 lần thu nhập, vậy thủ đô Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 3 thủ đô có giá nhà đất đắt nhất.
Kết quả trên cho thấy những người có thu nhập thấp nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá thuê hoặc mua nhà cao ở khu vực đô thị.
Sự kết hợp giữa đô thị hóa diện rộng với mức lương tương đối thấp đồng nghĩa với sự thiếu hụt số lượng nhà cửa với giá cả phải chăng, mặc dù đã có nhiều dự án xây dựng ở các quốc gia trên khắp thế giới.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, nhu cầu nhà ở tiếp tục vượt xa nguồn cung, dù chính phủ của quốc gia này đã đạt được thành công nhất định ở các thành phố như Thâm Quyến và Quảng Châu.
Mặc dù 7 trong số 10 thành phố có nhà ở với mức giá phải chăng nhất so với thu nhập đều nằm ở Bắc Mỹ, nhưng giống như các nền kinh tế mới nổi, vấn đề giá cả nhà ở đắt đỏ trong khu vực đô thị cũng tồn tại ở các quốc gia phát triển.
Kiều Trang(T/h)