(ĐSPL) - TP. Hà Nội đang phải đau đầu khi đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty Systra) Dự án tàu điện Nhổn - ga Hà Nội yêu cầu chi thêm 3 triệu Euro vì lý do chậm trễ quen thuộc... giải phóng mặt bằng (GPMB). Vậy Hà Nội sẽ móc hầu bao nào để chi khoản tiền không hề nhỏ này?
"Giấc mơ" tàu điện của Hà Nội đang có nguy cơ "mất" thêm 3 triệu Euro?! |
Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Câu chuyện về việc "phát sinh chi phí" ở cây cầu Nhật Tân chưa nguôi thì Hà Nội lại khiến dư luận nhận thêm sự hồi hộp mới về những khoản tiền khổng lồ hứa hẹn "bay" khỏi khối ngân sách hạn hẹp, khi mới đây đơn vị tư vấn thiết kế thẳng thừng tuyên bố phải chi thêm cho họ 3 triệu Euro tiền bồi hoàn trong Dự án tàu điện Nhổn - ga Hà Nội (được ví là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố - PV). Không những thế, đơn vị tư vấn này yêu cầu điều chỉnh mức giá hợp đồng tăng thêm 9 triệu Euro.
Ngay thông tin được đưa ra, phía TP. Hà Nội đã có cuộc họp "khẩn" giữa UBND TP với các sở, ngành. Tại đây, bắt đầu lộ diện những vướng mắc, bất đồng khiến người đứng đầu TP là ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, phải trực tiếp phê bình các bên liên quan.
Một nguồn thông tin khác mà bản báo thu thập được, sở dĩ có chuyện "lùm xùm" trên là do sự chậm trễ không thể tưởng trong thực hiện dự án. Mặc dù được khởi công từ tháng 9/2010 nhưng đến nay tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội) có chiều dài 12,5km vẫn chưa ra hình hài. Gần như tất cả các gói thầu đều chậm tiến độ so với dự kiến.
Theo thuyết trình ngày đầu khởi công dự án, tuyến đường sắt này có 4km đi ngầm, toàn tuyến có 12 ga, trong đó có 4 ga ngầm và 8 ga nổi. Các nhà ga toàn tuyến được xây dựng sẽ sử dụng hệ thống soát vé tự động theo công nghệ soát vé bằng thẻ thông minh hoặc đồng xu. Đoàn tàu có 4 toa và cabin hai chiều với vận tốc tối đa đạt 80km/h, thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến hết khoảng 20 phút, mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được hơn 900 hành khách.
Chậm tiến độ do GPMB và hợp đồng với đơn vị tư vấn Systra hết hạn (từ tháng 11/2013) khiến dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội càng gặp nhiều khó khăn. Không những thế sau khi hết hợp đồng phía Systra còn xin rút không tham gia dự án nữa. Kế hoạch triển khai dự án đến tháng 9/2017, tuy nhiên các bên liên quan cho rằng phải đến 2018 mới xong. Vì vậy, chủ đầu tư phải thương lượng với tư vấn Systra thực hiện tiếp hợp đồng đến hết năm 2018.
Vì vậy, phía Syrtra kiến nghị điều chỉnh giá trị hợp đồng lên đến 43 triệu Euro (tăng 9 triệu so với mức Hà Nội duyệt) và đòi bồi hoàn gần 3 triệu Euro. Đến nay các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Lấy tiền đâu để bù?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho hay: Công tác GPMB vẫn là một điểm yếu cố hữu không loại trừ bất cứ dự án nào. Thực tế cho thấy, khi thực hiện dự án với các nhà thầu nước ngoài, họ luôn lấy hợp đồng đã ký là tiền đề để giải quyết chứ không như dạng khoán sản phẩm như chúng ta. Vì vậy, khi tiến độ chậm ngày nào thì chi phí kỹ sư, lao động, máy móc... của họ vẫn được tính nguyên dù không phải lao động.
Ông Bảo cũng phân tích: Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm GPMB, thu hồi đất, thực hiện hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Ở các tỉnh thì BQL dự án làm hết các thủ tục GPMB, nhưng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư làm thêm nhiều thủ tục khác liên quan đến GPMB, mà xin giấy phép các sở ngành thì vô cùng mệt mỏi. Nhà thầu nước ngoài theo hợp đồng quốc tế có điều khoản tiếp cận công trường, nếu GPMB vướng sẽ vịn vào điều luật này để đòi đền bù, nhưng khi nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư lại không thể xử phạt.
"Thực tế công tác GPMB có trách nhiệm lớn của các địa phương, cụ thể là các quận, huyện nơi có dự án thực hiện, nhưng khi có chuyện xảy ra, trách nhiệm cuối cùng vẫn là chủ đầu tư chứ có ai lôi những đơn vị gây phát sinh chính trong công tác GPMB ra xử lý. Chuyện đâu đó có địa phương thiếu nhiệt tình trong khâu GPMB là điều khó tránh khỏi, nhưng cái đáng nói là phải có sự quyết liệt chỉ đạo chung", ông Bảo nói.
Trong một diễn biến khác, một lãnh đạo TP. Hà Nội (xin được giấu danh tính) bật mí, việc này đã được chỉ đạo phải ngồi lại với đơn vị tư vấn để trong tháng 3 phải ký gia hạn được hợp đồng vì nếu không có đơn vị tư vấn thì mọi việc bị đình trệ hoàn toàn. Việc mất tiền dù thế nào cũng mất nên không thể cứ ngồi cãi nhau, quy trách nhiệm mà không tìm ra hướng tháo gỡ.
Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật về việc TP. Hà Nội sẽ lấy đâu tiền để lấp vào khoản thương lượng với đơn vị tư vấn, vị này cho biết, hiện vẫn chưa quyết định sẽ dùng từ nguồn nào, nhưng sẽ tính đến các nguồn như: đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án hoặc lấy từ chính ngân sách.
Nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nói thẳng khi được hỏi về việc này: "Con số 3 triệu Euro là khoản tiền ngân sách không nhỏ, được chắt chiu từ những đồng thuế đóng góp của người dân. Đau xót hơn cả, số tiền trên là những thiệt hại vô cùng to lớn về mặt kinh tế do nguyên nhân từ việc chậm tiến độ của dự án. Chưa nói đến thể diện, uy tín quốc gia trước các nhà thầu, nhà đầu tư quốc tế bị tổn hại... còn lớn hơn rất nhiều số tiền cụ thể trên. Thế nhưng, đến nay xem ra việc mổ xẻ trách nhiệm cá nhân, tập thể dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của dự án vẫn chưa được các cơ quan hữu quan làm rõ, truy đến cùng của sự việc".
"Chắc chắn phải có ai đó gây ra việc này. Số tiền là rất lớn, có thể xem là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, một dạng tội danh hình sự. Không thể nào đổ lỗi cho cơ chế, cho việc giải phóng mặt bằng chậm được. Trước hết phải xem khâu thiết kế có bị nắn chỉnh thiếu khách quan dẫn đến khó giải phóng mặt bằng không hay vì lý do khác. Nếu chậm trong quá trình giải phóng thì trách nhiệm là các địa phương", ông Võ nhấn mạnh.
Xem ra, nếu TP. Hà Nội không mạnh tay hơn nữa với các dự án rùa, rất có thể số tiền ngân sách phải trích ra cho nhà thầu sẽ không dừng ở con số "phát sinh" ở dự án này, mà còn gấp nhiều lần hơn nữa.
Điểm yếu chí tử "Việc chậm GPMB các dự án giao thông kéo theo chậm tiến độ đã khiến đồng tiền đầu tư vào các dự án này dàn trải trong thời gian dài, vì vậy hiệu quả đầu tư càng thấp. Tình hình này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô bởi nước ta đang phải bỏ ra nhiều tiền đầu tư để mang lại tăng trưởng thu nhập quốc dân nhưng hiệu quả không như mong muốn. Điểm yếu chí tử của lĩnh vực xây dựng ở nước ta hiện nay trước hết là tiến độ quá chậm, sau nữa là tăng tổng mức đầu tư, những vấn đề này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được phân tích kỹ lưỡng và giải quyết triệt để". (TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam) |
Vương Trần
Xem thêm những hình ảnh về cây cầu Long Biên qua thăng trầm lịch sử: