Những chú chó đáng yêu, dũng mãnh, trung thành là một trong những loại thú cưng chiếm được tình cảm, sự gắn bó bền chặt với chủ nhân. Thế nhưng, không phải ai cũng có thời gian để hàng ngày chăm sóc, đi dạo cùng vật nuôi của mình. Nghề dắt chó đi dạo được hình thành thật ngẫu nhiên và đáp ứng nhu cầu của nhiều người.
Tình cờ nhận việc dắt chó đi dạo
5h30 sáng, quanh Hồ Gươm tấp nập người đi tập thể dục. Lẫn trong dòng người đó, có những người dắt chó đi dạo, nhìn họ có vẻ lam lũ, vất vả, nhưng lại dắt theo 3 – 4 chú chó cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng. Đôi khi, những chú chó phấn khích đua nhau chạy, kéo theo người dắt chó “phi” như lướt ván trên đường khiến ai cũng bật cười. Tìm hiểu PV được biết, rất ít trong số họ là chủ nhân thực sự, phần lớn họ là những người dắt chó thuê.
Chị Phạm Thị Thảo (SN 1960, quê ở Hà Nam) làm nghề dắt chó đi dạo thuê kiêm giúp việc nhà đã được 3 năm. Trước đây, chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, khi hết hợp đồng về nước chị dồn hết số tiền tiết kiệm xây được căn nhà khang trang ở quê. Xây nhà xong, chị muốn quay lại Đài Loan đi làm để kiếm thêm chút tiền nuôi con ăn học nhưng chồng chị không đồng ý. Tình cờ, chị được người quen xin cho vào làm giúp việc tại một nhà ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (Hà Nội) với mức lương 3 triệu đồng/1 tháng.
Tuy làm giúp việc nhưng thực ra công việc cũng không có gì nhiều vì vợ chồng chủ nhà đi công tác suốt, các con của chủ nhà 1 cháu đang du học tại Singapore, 1 cháu học lớp 10 nên cũng không bận rộn như những nhà có con nhỏ.
Khi gia chủ “tậu” 3 chú chó cưng từ Anh về, chị có bận rộn hơn một chút và họ đã đặt vấn để trả thêm cho chị 3 triệu đồng nữa để hàng ngày chăm sóc, dắt chó đi dạo, luyện chân cho các thú cưng. Chị chia sẻ: “Thật ra khi ở Đài Loan, chị cũng đã từng làm công việc dắt chó đi dạo rồi nên cũng quen việc. Với người mới làm chưa có kinh nghiệm thì cũng mệt với mấy chú chó này lắm”.
Nguyễn Văn Tư (SN 1993, quê ở Lào Cai) SV trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: “Là SV, hầu như ai cũng kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải việc học hành, chi tiêu. Sau khi đã làm đủ thứ việc mà SV thường nhận, em thấy việc dắt chó đi dạo có mức lương “ổn” nhất và không chiếm quá nhiều thời gian. Hàng ngày, em nhận dắt chó cho nhà chủ vào 21h, đưa các “tình yêu” đi chơi khoảng 2 tiếng thì trả về cho chủ, mỗi tháng em có 4 triệu đồng tiền lương”.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1964, quê ở Thái Bình) nhận việc dắt chó đi dạo vì tình yêu với những con vật đáng yêu. Anh làm xe ôm ở đầu đường Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã 4 năm. Nhà chủ mà anh đứng nhờ trước cửa và anh có tình cảm khá gần gũi, thông cảm. Gần đây, họ mua về mấy con chó ngoại rất đáng yêu. Khi còn ở quê, anh cũng thường nuôi chó và theo anh chia sẻ: “Dù đi làm về mệt nhọc nhưng cứ nhìn thấy mấy chú chó mình nuôi chạy ra vui mừng hớn hở là mình lại thấy bớt căng thẳng”.
Đã vài lần, anh thấy gia đình chủ nhà căng thẳng với nhau trong việc phân công ai sẽ dắt chó đi vệ sinh, đi dạo. Bà chủ nhà chỉ muốn “giải tán” càng nhanh càng tốt, ông chủ thì muốn nuôi nhưng không có thời gian để phục vụ “các cục cưng”. Khi anh ngỏ lời để anh giúp đỡ việc đó, cả nhà chủ “vui mừng khôn xiết” và tình thân càng thêm thân. Mỗi tháng, họ bồi dưỡng cho anh 3 triệu đồng, ngoài ra thỉnh thoảng khi đi công tác về, ông chủ nhà bao giờ cũng nhớ mua quà tặng anh và gia đình.
Thực ra, nghề dắt chó đi dạo đã có ở nước ngoài khá lâu. Đỗ Minh Tiến, một du học sinh tại TP. Boston, bang Masachusetts (Hoa Kỳ) nhận dắt chó đi dạo với mức giá 20 USD/1 giờ. Bạn tâm sự: “Sang đây du học sinh chúng em thường tranh thủ làm thêm vào các kỳ nghỉ và việc dắt chó đi dạo là một lựa chọn. Các bạn khác có thể bán báo, chạy bàn tại các quán cà phê..., em nhận việc dắt chó đi dạo qua sự giới thiệu của một anh khóa trên khi anh ấy chuẩn bị về nước”.
Với Tiến đây chỉ là việc làm thêm, nhưng ở Mỹ đây là một nghề và những người làm công việc này rất chuyên nghiệp. Họ có thể vừa dắt một lúc hàng chục con chó, vừa dẫn thêm một nôi có trẻ nhỏ bên trong và di chuyển một cách rất an toàn trên đường phố, công viên... Có những người gắn bó với công việc này đã lâu và thường xuyên trau dồi thêm kiến thức về chăm sóc vật nuôi, các kỹ năng khống chế cùng một lúc nhiều chú chó hung dữ, hiếu động.
Nếu lần đầu tới Singapore, vào các giờ nhất định trong ngày, bạn có thể thấy nhiều người cả dân bản xứ và người Việt dắt chó đi vòng quanh khu dân cư, công viên… Rất ít người trong số họ là chủ chó, họ thường là những người làm nghề dắt chó đi dạo theo hợp đồng dài hạn hoặc ngắn hạn. Giá chung cho công việc này là 18 SGD/1 giờ. Huỳnh Thanh, một du học sinh tại Học viện Hwa Chong Institution chia sẻ: “Những ngày đầu em cũng ngần ngại khi chọn công việc này vì em vốn sợ chó, nhưng bây giờ em làm đã được 2 năm và ngày càng yêu thích các chú chó đáng yêu”.
Ảnh minh họa |
Những “tai nạn nghề nghiệp”…
Mặc dù đã có một số kỹ năng cơ bản về nghề dắt chó chăm sóc vật nuôi nhưng chị Thảo vẫn bị một phen hú vía khi 4 chú chó cùng lao vào tấn công một chú chó khác khi đi dạo. Chị phải rất vất vả mới tách được lũ chó ra khỏi chú chó kia, chủ của chú chó nhỏ kia đi theo chị về tận nhà để bắt đền. Bà chủ phải bỏ ra một khoản tiền để đền bù thuốc men cho chú chó kia và tỏ ý không hài lòng với chị.
Một hôm khác, khi đưa chó đi dạo nhưng chị quên mang áo mưa cho chúng nên khi về, một trong số 4 chú chó đã bị sưng phổi. Bà chủ đã khiển trách chị rất nặng nề và trừ lương của chị trong tháng đó. Chị tâm sự: “Mình quên mang áo mưa cho bản thân thì không sao, nhưng nếu quên không mang áo mưa cho chúng vào cái mùa chợt mưa chợt tạnh là gay go”.
Nguyễn Văn Tư lại có một kỷ niệm “đau tim” vì “lạc mất tình yêu”. Trong một buổi dắt chó đi dạo ban đêm, bạn đã sơ suất trong việc kiểm soát sợi xích chó. Chỉ một phút sơ sảy, bạn tuột tay để chú pitbull tuột xích lao đi như tên bắn. Trong giây phút đó, bạn thực sự lo lắng, hoảng sợ vì nhiều lý do. Thứ nhất, nếu chó bị mất chắc chắn bạn sẽ phải đền và chú chó đó là cả một tài sản lớn với một sinh viên như bạn. Thứ hai, đó là giống chó rất dữ tợn, thuộc dòng chó chiến, nếu chó cắn người trong quá trình “tẩu thoát” thì mức độ phức tạp còn tăng lên gấp bội. Sau khi nhanh chóng liên lạc, cầu cứu sự trợ giúp của bạn bè bằng điện thoại và các trang mạng xã hội… bạn đã tìm lại được chú chó ở đường Trần Khát Chân.
Với anh Hiếu, các chú chó của nhà chủ như những người bạn của anh và chúng thường thể hiện tình yêu với anh một cách quá mức. Có lẽ, trong tiềm thức của chúng, anh mới là người chủ thật sự bởi anh thường xuyên chăm sóc, và cứ thấy anh có nghĩa là chuẩn bị được đi chơi. Mỗi lần anh tới, mấy chú chó cứ cuống cả lên, vui mừng xoắn xuýt. Cũng chỉ vì tranh nhau “lấy lòng” anh mà một hôm chúng quay ra cắn nhau dữ dội, trong quá trình ngăn chúng cắn nhau anh đã bị chúng cắn nhầm nát một bàn tay. Sau lần đó, dù vẫn “yêu nghề” và nhớ mấy chú chó nhưng anh đành xin thôi việc.
Cùng với trào lưu nuôi thú cưng, nhiều dịch vụ “ăn theo” phục vụ cho các “tình yêu” của dân chơi được phát triển. Để trở thành một người dắt chó đi dạo “có nghề”, ngoài những kỹ năng cơ bản, bạn còn cần đến lòng yêu nghề và tình yêu đối với động vật. Nghề nào cũng vậy, khi bạn làm việc xuất phát từ lòng yêu nghề, bạn sẽ thành công.
Một thống kê năm 2013 cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu con chó và từ năm 2009 đến 2013 đã phát hiện có 533 con chó bị bệnh dại, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho chó tại các địa phương đạt thấp (dưới 60\%). Hàng năm có tới 650.000 người bị súc vật (chủ yếu là chó nghi dại) cắn phải đi tiêm vắc-xin. Số người tử vong vì bệnh dại tuy chỉ còn khoảng 50 - 60 trường hợp nhưng hậu quả về sức khỏe, tinh thần và thẩm mỹ do vết cắn của chó để lại thì rất nặng nề. |