Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình giàu có thường hay sắm cho mình những thú cưng có giá trị lên tới nhiều triệu đồng. Cùng với nó là những dịch vụ mà họ nghĩ ra để cưng chiều vật cảnh của mình như ốm thì được tới "bệnh viện chó mèo". Đi xa thì gửi thú cưng của mình tới "khách sạn chó mèo". Và nếu chẳng may con vật đó qua đời nó còn được chôn tại một nghĩa trang riêng có "danh phận" đường hoàng, được khóc than, thương tiếc và được làm cả lễ cầu siêu… như một con người.
Nở rộ "Bệnh viện chó mèo"
Vài năm về trước, người ta bàn tán xôn xao, thậm chí là ném đá khi "Khách sạn chó mèo" đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Nhiều người nói, đấy là sự sính ngoại, đua đòi, là giàu có sinh lễ nghĩa. Thế nhưng xét lại nó lại có vẻ thức thời. Vì bằng chứng là sự xuất hiện của khách sạn đặc biệt ấy không những không chết yểu mà còn phát triển rất mạnh mẽ. Đến 167 Trương Định (Hà Nội), sẽ thấy một không gian rộng và khép kín với đầy đủ các dịch vụ dành cho vật cảnh. Từ khám chữa bệnh đến siêu thị chó mèo. Những phòng ở dành riêng cho những thú cưng, thậm chí ngay cả nếu chúng có không may mắn qua đời thì có luôn một nghĩa địa mai táng riêng.
Nhiều người lên án rằng, trong xã hội còn biết bao người nghèo khó, ăn còn chưa đủ. Vậy mà có những vật nuôi được nuôi nấng, chăm sóc như những cậu ấm cô chiêu. Chi phí cho chúng mỗi tháng nếu nói ra chắc nhiều người phải giật mình thon thót. Và, nếu như ngày trước, dịch vụ chữa bệnh cho chó mèo chỉ có duy nhất ở Khách sạn 167 Trương Định thì đến nay, chỉ cần gõ mấy từ khóa "bệnh viện chó mèo" thì có vô khối tên và địa chỉ làm về dịch vụ này hiện ra.
Lần theo thông tin cung cấp trên mạng, chúng tôi tìm đến địa chỉ 240 Âu Cơ, Tây Hồ (Hà Nội). Đó là một bệnh viện thú y với tên tiếng Anh là Pet Health. Tại đây, thường xuyên có khoảng 5 đến 6 bác sĩ túc trực để nhận khám và chữa bệnh nội trú cho các thú cưng. Đối tượng tìm đến những dịch vụ như thế này hầu hết đều thuộc giới thượng lưu.
Trong một phòng khám, bác sĩ Nguyễn Thị Lan đang cùng 2 y tá đo nhịp tim cho chú chó Ngao. Bác sĩ Lan kể: "Chú chó này bị suy thận, nó được chủ nhân đưa vào đây điều trị nội trú đã gần 1 tuần. Ngày nào ông chủ cũng vào thăm ít nhất là 2 lần, còn gọi điện thì không đếm xuể. Ông ấy bảo không phải không tin các bác sĩ và y tá ở đây nhưng muốn đích thân mình vào thăm để chú chó Ngao không có cảm giác cô độc vì bị chủ bỏ rơi. Mỗi lần ông ấy vào đều mang theo sữa, bánh… Tất cả những thứ đó đều là hàng ngoại, xách tay mang về".
Xa xỉ dịch vụ chăm sóc thú cưng |
Chúng tôi đến Bệnh viện Thú y Peath health đúng vào giờ nghỉ chưa. Có lẽ vì thế mà nhiều chủ nhân đã tranh thủ giờ đó để vào thăm thú cưng của mình. Chị Hằng nói giọng ảo não: "Con Rubi (chó phốc) nhà tôi bị bệnh to lá lách, vào đây chữa trị đã mấy ngày rồi mà chưa đỡ. Nhìn nó nằm bẹp dí, ủ rũ tôi xót ruột lắm. Ở nhà, tôi chăm nó như chăm con vậy. Nói thật, mình gần 40 tuổi rồi, lấy chồng cũng nhiều năm rồi mà chưa có con. Chữa chạy cũng nhiều nhưng không được. Từ khi có Rubi vợ chồng tôi bận rộn và vui vẻ hẳn lên. Dù nó là con vật thật nhưng nếu mình yêu thương nó thật lòng thì thấy nó gắn bó như người thân mình vậy".
Con Rubi của chị Hằng sức khỏe yếu nên các bác sĩ ở đây phải truyền đạm mỗi ngày.
Gần đó, con chó béc giê của một chủ doanh nghiệp mỹ nghệ ở Hà Nội đang nằm thở hổn hển. Nghe nói chú chó này bị bệnh parvovirut - một bệnh do vi rút tấn công đường tiêu hóa dẫn đến đường ruột và dạ dày. Để điều trị cho chú chó này, chủ nhân của nó đã phải bỏ ra một số tiền lên tới gần 2 triệu một ngày. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề quan trọng, cái mà chủ nhân chú chó béc giê lo lắng nhất là lỡ có mệnh hệ gì đối với thú cưng của mình. Hàng ngày, anh này vẫn tự tay mang đến những món bồi bổ sức khỏe cho chú chó cưng của mình như chân giò hầm thuốc bắc, sữa bột gửi mua từ Úc…
Chính vì tâm lý cưng vật nuôi như những người thân nên khi thú cưng của mình chẳng may phải đến điều trị nội trú tại các bệnh viện thú y thì chủ nhân của nó cũng tìm cách "bồi dưỡng" bác sĩ để dù không có mặt mình chúng cũng được đối xử tử tế.
Anh Nguyễn Gia Quân, nhà ở Khâm Thiên (Hà Nội) chia sẻ: "Con chó Dior này nhà mình mua từ Đức về với giá 2.000USD. Nó thông minh và tình cảm lắm nên cả nhà ai cũng yêu quý. Lúc nó bị bệnh, vợ và con trai mình khóc hết nước mắt. Đến như mình là đàn ông cũng thấy đau lòng. Chả phải vì nó có giá trị cao đâu, mà sống lâu nên gắn bó, thân thương lắm. Nó ốm mình cảm giác đúng như người thân của mình ốm vậy. Xót ruột lắm".
Xin visa và mua đồ hàng hiệu cho thú cưng
Nhiều gia đình có điều kiện đi du lịch nước ngoài mỗi năm ít nhất một lần. Điều mà họ lo lắng và lăn tăn nhất chính là làm sao để không phải xa thú cưng trong một thời gian dài. Thế nên mới có chuyện nhiều chủ nhân đã chạy vạy xin cấp visa xuất cảnh cho thú cưng của mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì phí trang trải cho việc đó không nhỏ.
Ở một cửa hàng nằm sâu trong con ngõ nhỏ đường Trường Chinh (Hà Nội), nơi đây như một vương quốc dành cho vật cảnh, từ thức ăn nhập ngoại cho tới quần áo hàng hiệu, nước hoa… Có những bộ quần áo dành riêng cho chó mèo có giá lên tới vài triệu đồng. Chị Hoa, chủ nhân của cửa hàng cho biết: "Nhìn qua thì giá cả ở đây có vẻ không hề mềm nhưng vì nó hướng tới các gia đình có điều kiện nên họ cũng không lăn tăn gì. Có người cẩn thận còn mang cả chó hoặc mèo đến cửa hàng tôi và bảo nhân viên ở đây đo đạc rồi thiết kế những bộ cánh riêng, độc luôn. Họ bảo tiền nong không thành vấn đề". Không chỉ quan tâm đến trang phục, mùi của thú cưng cũng làm những gia chủ lắm tiền nhiều của hết sức quan tâm.
Chi tiêu triệu sắm áo rét cho thú cưng. |
Tại "vương quốc chó mèo" của chị Hoa, có ít nhất hai người phụ nữ đang đứng trước bộ sưu tập nước hoa dành cho thú cưng. Chị Hải ở Cầu Giấy (Hà Nội) tỏ vẻ rất hoan hỉ sau khi đã chọn được một mùi nước hoa rất ưng ý cho chú Poppy của mình: "Tôi thích mùi này lắm vì nó nhẹ nhàng, mát dịu. Poppy nhà mình thì sạch lắm rồi nhưng tôi luôn muốn nó phải thơm tho". Nghe những lời mà chị Hải chia sẻ thì ngày nào chú chó cưng của chị cũng được mang ra tắm rửa sạch sẽ và xịt nước hoa. Tối đến nó sẽ được ngủ cùng giường với cậu con trai học lớp 5 của chị. "Thằng bé quấn Poppy còn hơn quấn bố mẹ. Đi học thì chớ chứ về nhà là nó ôm hôn, trò chuyện với Poppy" - Chị Hải chia sẻ.
Với hầu hết những vật cảnh của nhà giàu, chúng luôn được đối xử như những cậu ấm cô chiêu. Những gì tốt nhất, đẹp nhất và thậm chí là đắt nhất chủ nhân của chúng cũng không hề tiếc tiền mua về cho chúng. Theo quan sát của chúng tôi, loại thức ăn khô hiệu Companion Pets Classic (loại 10kg) dành cho chó có giá 500.000 đồng, bát thức ăn inox nhỏ đến to giá 100.00 - 120.000 đồng, đồ chơi đủ loại phát tiếng kêu giá 200.000 đến hàng triệu đồng.
Khách sạn, nghĩa trang chó mèo và những lễ cầu siêu
Giá gửi thú cưng một ngày ở khách sạn chó mèo trên phố Trương Định (Hà Nội) dao động từ 500 đến một triệu đồng. Tùy thuộc các dịch vụ mà chó, mèo sử dụng, trung bình một chú chó ở resort trong một tháng chi phí chừng 15 triệu đồng. Mỗi tháng, "vương quốc chó, mèo" chữa bệnh cho 300 vật nuôi. Hiện, "vương quốc" có hơn 10 bác sĩ thú y chuyên chữa bệnh, chăm sóc thú nuôi.
Không chỉ có những dịch vụ cho thú cưng khi còn sống, mà tại khuôn viên khách sạn này còn có cả khu nghĩa trang dành cho những vật cảnh chẳng may qua đời. Ông Nguyễn Bảo Sinh, chủ khách sạn chó mèo cho biết: "Khu nghĩa trang hiện có hơn 500 bia mộ chó, mèo. Chủ nhân của những chú chó, mèo thường đến thăm mộ đông nhất vào hai ngày cuối tuần và ngày rằm. Khi đến, ai cũng mang kèm theo những đồ ăn mà khi còn sống con vật yêu thích như sữa, bánh. Có hôm đêm khuya khoắt mà vẫn có người gọi cửa vào thăm mộ, thậm chí còn khóc rất lâu bên mộ thú cưng. Nhiều người nhiều năm liền thường xuyên đến nghĩa trang chó, mèo để khóc lóc. Họ khóc như khóc một người thân qua đời".
Một buổi lễ cầu siêu cho chó mèo. |
Với suy nghĩ, con vật cũng có tâm linh như con người nên khi chết đi cũng cần được siêu thoát nên ông chủ khách sạn chó mèo Bảo Sinh đã tổ chức lễ cầu siêu cho chó mèo. Hầu hết những chú thú cưng khi chết đều được hỏa táng và đưa vào "đài hóa thân hoàn vũ" ở một góc vườn. Tại đây bình tro cốt, ảnh của chúng sẽ được đặt lên một giá thờ bằng kính.
Buổi lễ cầu siêu diễn ra trang trọng, có tới vài trăm người tham gia. Họ chủ yếu là những gia chủ có thú cưng được an táng tại nghĩa trang này. Người khóc, người lầm rầm khấn vái. Trong buổi lễ cầu siêu ấy còn có sự tham gia của một vị cao tăng đọc kinh cầu cho những con vật được siêu thoát.
Trung bình mỗi năm khách sạn này tổ chức ít nhất là 2 buổi đại lễ cầu siêu cho chó mèo. Thường là vào dịp rằm tháng 7 hoặc một ngày nào đó được xem là đẹp nhất trong năm. Và thường thì lượng người tham gia vào lễ cầu siêu này năm sau luôn nhiều hơn năm trước.
Đây là thú chơi hiện vẫn còn xa lạ với nét văn hóa người Việt, nhưng đã tồn tại ở Hà Nội từ nhiều năm nay. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, phân hóa giàu nghèo ngày càng bộc lộ rõ. Chỉ mong những người có tình cảm với vật nuôi sẽ là những người tiên phong chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khác