Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nếu Quốc hội cho cơ chế đặc thù, Hà Nội sẽ tự dùng nguồn vốn của thành phố để làm 2 tuyến đường sắt đô thị trị giá hơn 100.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội vào sáng ngày 1/6, Chính phủ đề xuất cho phép Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ theo giá trị vốn.
Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tiến hành cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỷ. Số tiền này hiện chưa nộp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Về mục đích sử dụng số tiền xin giữ lại, Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng đường sắt đô thị. Theo ông Chung, hiện Hà Nội đã làm hồ sơ xong, đang trình Chính phủ và cố gắng sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới.
Theo đó, tuyến đường sắt ga Hà Nội - Hoàng Mai trị giá hơn 40.000 tỷ đồng và tuyến đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc trị giá 66.000 tỷ đồng.
“Việc xây dựng các dự án đường sắt đô thị này hoàn toàn lấy từ nguồn vốn của thành phố”, ông Chung nói. Theo đó, nguồn thứ nhất thành phố lấy từ vốn cổ phần hóa. Thứ hai là vốn từ 5 năm bỏ ra được 15.000 tỷ và thứ ba là sẽ phát hành trái phiếu để làm toàn bộ tuyến đường sắt này.
Ông Chung khẳng định “Hà Nội có thể tự làm được”.
Cũng theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố đến năm 2019 còn khoảng 29.000 tỷ đồng, năm 2020 có gần 40.000 tỷ đồng. Do đó, thành phố đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ cải cách tiền lương cho giai đoạn 2021-2025.
Bạch Hiền (t/h)