Sau khi nghe điện thoại của 2 người xưng danh là Công an và Viện Kiểm sát thông báo bà V. có liên quan đến đối tượng ma túy đang bị cơ quan điều tra làm rõ nên bà V. đã chuyển vào tài khoản cho chúng 1 tỉ đồng.
Báo Dân Trí đưa tin, theo trình báo của bà V. (74 tuổi, trú phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội), chiều 21/4, bà nhận được một cuộc điện thoại của một người (chưa rõ danh tính) thông báo về việc bà có nợ cước điện thoại viễn thông.
Sau đó, người này đã nối máy để bà nói chuyện với 2 người xưng danh là Công an và người phụ nữ kia tự xưng là ở Viện Kiểm sát thông báo việc bà có liên quan đến đối tượng ma túy ở Quảng Ninh đang bị cơ quan điều tra làm rõ.
2 đối tượng yêu cầu bà V. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp với lý do nếu sau này cơ quan điều tra làm rõ bà V. không có liên quan gì sẽ trả lại.
Tin lời, đến hơn 16h cùng ngày, bà V. đã chuyển 1 tỷ đồng cho đối tượng thông qua một ngân hàng chi nhánh Thái Hà. Qua kiểm tra, số tiền trên đã bị rút hơn 500 triệu đồng.
Trước đó, cũng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Kẻ gian giả danh cơ quan pháp luật gọi điện đe dọa người dân có liên quan đến vụ án đang điều tra, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng rồi chiếm đoạt. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều song vẫn còn không ít người dân mắc bẫy, dễ dàng chuyển hàng tỷ đồng cho tội phạm chỉ trong tích tắc.
Lừa đảo qua điện thoại - Ảnh minh họa |
Trước đó, theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, bà K. (47 tuổi, ở quận 8) đến trụ sở Công an quận 8 (TP HCM) trình báo về việc bị một người đàn ông tự xưng là cán bộ điều tra gọi điện thoại hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng.
Theo bà K., lúc 16h ngày 9/8/2016, bà nhận được điện thoại từ một người đàn ông xưng là Trần Trung Kiên. Người này nói là cán bộ Cục cảnh sát điều tra.
Trong lúc trò chuyện, Kiên nói bà Kiều có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy nên yêu cầu đến Cục cảnh sát điều tra ở Hà Nội hoặc chuyển tiền từ tài khoản của bà để cơ quan chức năng điều tra.
Người đàn ông tự xưng là cảnh sát còn dọa nếu nạn nhân không chuyển tiền sẽ đến nhà bắt bà.
Sợ liên lụy đến người thân, bà Kiều đã làm theo sự hướng dẫn của kẻ giả cảnh sát và gửi cho anh ta tổng cộng hơn 2,2 tỷ đồng. Vài ngày sau, thấy nghi bị lừa nạn nhân mới đến công an trình báo. Do bà Kiều đến công an trình báo muộn nên toàn bộ số tiền bà chuyển vào tài khoản của kẻ giả danh cán bộ điều tra đã bị rút hết.
Theo báo Tuổi trẻ, vẫn với chiêu bị gọi điện hù họa liên quan đường dây tội phạm đang bị điều tra, bà N.T.T.H. (40 tuổi, ngụ P.Phước Long B, Q.9, TP HCM) đã tưởng thật liên tục rút tiền từ tài khoản để đưa cho "công an" dỏm và bị lừa hơn 2,1 tỉ đồng.
Theo trình báo, ngày 13/12/2016, bà nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng là nhân viên tổng đài thông báo bà nợ cước phí điện thoại gần 9 triệu đồng, nếu không đóng sẽ bị ngưng dịch vụ. Người này cho bà H. số điện thoại cố định để kiểm tra.
Khi bà H. gọi vào số máy cố định thì có một người nhấc máy, xưng là số máy của một đơn vị thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an).
Người cầm máy còn nói bà H. có liên quan tới một vụ rửa tiền mà Bộ Công an đang điều tra, yêu cầu bà H. cung cấp tất cả thông tin số điện thoại cá nhân, chứng minh nhân dân, các sổ tiết kiệm, rồi ra ngân hàng rút ba sổ tiết kiệm để cơ quan công an xác minh nguồn tiền, nếu nguồn tiền không hợp pháp thì bà H. sẽ bị bắt giam và xử từ 18-24 tháng tù.
Chiều 13/12, bà H. đến ngân hàng rút 410 triệu đồng và chuyển vào tài khoản mà đối tượng lừa đảo yêu cầu.
Sáng 14/12, đối tượng lừa đảo tiếp tục gọi điện, yêu cầu bà H. rút 580 triệu đồng chuyển vào một tài khoản của một ngân hàng ở Lào Cai. Những ngày sau đó, bà H. bị đối tượng tiếp tục uy hiếp và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản khác nhau. Tổng số tiền của bà H. bị lừa lên đến 2,150 tỉ đồng.
Sau khi chuyển tiền, bà có liên lạc lại nhưng không thấy hồi âm, nghi bị lừa nên bà H. liền trình báo công an.
Sau khi nhận trình báo, cơ quan điều tra kiểm tra các tài khoản ngân hàng mà bà H. gửi tiền thì thấy phần lớn tiền trong các tài khoản này đã “bốc hơi”, chỉ còn trên 200 triệu đồng.
Tổng hợp