Mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng vừa được UBND TP.Hà Nội ban hành theo Quyết định số 69/2024/QĐ-UBND phê duyệt ngày 9/12/2024.
Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tại Tờ trình số 4283/TTr-SLĐTBXH ngày 08/11/2024 và Văn bản số 4626/SLĐTBXH-GDNN ngày 03/12/2024, UBND TP.Hà Nội quyết định ban hành mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cụ thể như sau:
Thứ nhất, về mức hỗ trợ chi phí đào tạo: Người khuyết tật được xác định theo quy định tại Điều 15, Điều 18 Luật Người khuyết tật được hỗ trợ 6 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ 4 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ bị mất việc làm được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng nêu trên được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khóa học…
Thứ hai, về mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho đối tượng, được thực hiện theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Quyết định này cũng nêu rõ: Mỗi người thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định tại Quyết định này. Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại Quyết định này. Người học đồng thời thuộc các đối tượng nêu tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều này này chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.
Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan (theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại Quyết định này, nhưng tối đa không quá 3 lần.
Trường hợp mức chi phí đào tạo thực tế thấp hơn mức hỗ trợ chi phí đào tạo được quy định tại khoản 1 Điều này thì được hỗ trợ bằng mức chi phí đào tạo thực tế.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp.
UBND TP.Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn việc thực hiện chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố theo quy định hiện hành. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố, tổng hợp báo cáo UBND thành phố kết quả triển khai thực hiện hàng năm.
UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả đào tạo và theo đúng quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2024. Chính sách hỗ trợ chi phí này góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là những người yếu thế ở các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chi phí học nghề đối với người lao động góp phần thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng của Chính phủ được quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Chính phủ.