Theo báo Giáo dục và Thời đại, những ngày qua, có nhiều ý kiến khác nhau về việc hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học. Mới đây, bộ GD&ĐT đã phân tích một số dữ liệu thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển để dư luận hiểu rõ.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống là 642.270 em, trong khi năm 2021 là 794.739 em. Có thể thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm khoảng 20% so với năm 2021 và khoảng 3,4% so với năm 2020.
Trong đó, cần lưu ý số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều học sinh học phổ thông, đại học ở nước ngoài đã trở về Việt Nam học tập.
Điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.
Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số phân tích trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống, theo báo Kinh Tế Đô Thị.
Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các miền trên cả nước khá đồng đều với miền Bắc có 38%, miền Trung 32% và miền Nam 30%.
Về tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các vùng trên cả nước, Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất (22%), tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long (19%) và chiếm tỷ lệ thấp nhất là vùng Tây Nguyên (7%).
Theo thống kê 20 tỉnh, thành có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nguyện vọng nhiều nhất, Hà Nội dẫn đầu với 22.187 thí sinh, xếp ngay sau là Thanh Hóa (15.714 thí sinh), Nghệ An (14.145 thí sinh), TP.HCM(13.747 thí sinh)…
Qua thống kê tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các khu vực ưu tiên đã xác định thí sinh ở khu vực 1 không đăng ký xét tuyển nhiều nhất (35%), trong khi khu vực 2 nông thôn chiếm 33%, khu vực 2 là 22% và khu vực 3 là 10%.
Thống kê điểm theo các tổ hợp xét tuyển chính của các thí sinh không đăng ký xét tuyển cho thấy điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, ở các khối A0, A1 và B0, các mức điểm đại đa số rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.
Riêng khối C0 điểm có khá hơn nhưng năm nay, tổ hợp C0 có phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước nên mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn.
Đinh Kim(T/h)