Đập bỏ tầng 17, 18 nhà 8B Lê Trực hay giữ nguyên nhưng không cho dân vào ở vẫn đang là câu hỏi đối với TP. Hà Nội.
Hà Nội đang tiếp tục xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn để ra một phương án xử lý tiếp theo cho tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Lao Động |
Tháng 11/2015, TP. Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này ở giai đoạn 1, gồm tầng 19 và tum thang.
Trong giai đoạn 2 phá dỡ tầng 17 và 18, do chủ đầu tư dự án không tự nhận phá dỡ, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn UBND quận Ba Đình tổ chức lựa chọn, chỉ định đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm tại số 8B Lê Trực theo quy định.
Đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 là Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng - đơn vị tư vấn thiết kế tòa nhà.
Theo Dân Trí, UBND quận Ba Đình vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo kết quả khảo sát, kiểm định phục vụ thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17 và 18) tòa nhà 8B Lê Trực.
Căn cứ theo đánh giá do Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lập, có hai phương án xử lý với phần ngọn của tòa nhà 8B Lê Trực.
Phương án một là phá dỡ tầng 17 và 18 của tòa nhà. UBND quận Ba Đình đưa ra các phương án chống đỡ dầm chuyển của tầng 3 và dầm treo ở mái tầng 16 có kích thước đảm bảo an toàn về chịu lực.
Sau khi phá dỡ, có khả năng phải gia cường dầm tầng 3 và các dầm biên của các tầng trên do các dầm này đã bị nứt và phải chịu thêm tải trọng và tác động phát sinh trong quá trình phá dỡ.
Phương án hai đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người là dùng giải pháp kiến trúc xây bịt các căn hộ tầng 17 và 18 không cho sử dụng, nhưng vẫn để lối thoát hiểm lên trên sân thượng và tầng mái.
Đây là phương án mà theo báo cáo của UBND quận Ba Đình sẽ đảm bảo an toàn nhất cho công trình cũng như người sử dụng sau này, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phần công trình sai phạm không được sử dụng.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết bản chất của việc chậm tiến độ là do yếu tố kỹ thuật trong quá trình phá dỡ.
“Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực. Hiện nay các đơn vị tư vấn đang đánh giá thận trọng phương án để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn tuyệt đối với công trình” - ông Lê Quang Hùng nói.
Việc TP Hà Nội chưa quyết phương án xử lý giai đoạn hai phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã mua nhà ở dự án này gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo Pháp luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, người bỏ khoảng 7 tỉ đồng mua căn hộ tại tầng 10, tòa nhà 8B Lê Trực, chia sẻ từ năm 2014 gia đình bà đã phải bán căn nhà mặt đất tại khu vực Hoàng Cầu (Đống Đa) để có tiền mua căn hộ tại 8B Lê Trực.
“Cuối năm 2015, dự án hoàn thiện, gia đình tôi cũng làm xong nội thất, làm lễ nhập trạch, chỉ chờ về ở thì sai phạm của tòa nhà bị phát hiện, các cơ quan chức năng vào xử lý. Từ đó đến nay chúng tôi phải đi thuê nhà để ở” - bà Xuân nói.
Bà Xuân cho biết, dự án có khoảng 200 căn hộ, nhiều chủ hộ cùng cảnh ngộ như bà suốt bốn năm nay đã làm đơn gửi tới chủ đầu tư, các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng việc xử lý tòa nhà vẫn giậm chân tại chỗ.
Ngày 18/6, trong buổi tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề cập đến vấn đề ở tòa nhà 8B Lê Trực.
Theo Chủ tịch Hà Nội, công trình này không chỉ vi phạm bên trên mà vi phạm ngay từ móng, xây dựng lấn ra cả vỉa hè. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng, nếu cắt tầng 17, 18 thì không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên trong thời gian qua, TP đã chỉ đạo quận Ba Đình trưng cầu giám định đối với một số biện pháp. Tới đây, TP kiên quyết cưỡng chế để thực hiện nghiêm theo kỷ cương.
“Có những cuộc họp trên UBND TP, tôi có nói là thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước, kể cả phải đập toà nhà này cũng phải đập, bởi vì xây dựng sai từ móng, từ tầng 1. Nhưng chủ đầu tư rất cùn”, VietNamNet dẫn lời ông Chung nói.
Vi An (T/h)