Trong văn bản báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình gửi Sở Xây dựng mới đây có trích phần kết luận của Viện khoa học- Công nghệ xây dựng. Viện này đã có phương án nên giữ nguyên hiện trạng công trình 8B Lê Trực.
Liên quan tới kế hoạch phá dỡ phần diện tích sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực giai đoạn 2 (tầng 17 và 18 tòa nhà), UBND quận Ba Đình vừa có văn bản gửi sở Xây Dựng. Theo đó, mới đây, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã nhận được văn bản báo cáo của UBND phường Điện Biên và kết quả khảo sát của Viện khoa học và Công nghệ xây dựng (Đơn vị phường Điện Biên ký hợp đồng thực hiện khảo sát và kiểm định công trình) về tình trạng công trình 8B Lê Trực.
Tại phần kết luận dựa trên kết quả khảo sát, Viện khoa học và Công nghệ xây dựng đề ra hai phương án: Thứ nhất, do quá trình phá dỡ có thể phát sinh nhiều tải trọng, tác động ảnh hưởng đến đến kết cấu mà không thể lường trước, nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và công trình, kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, dùng giải pháp kiến trúc xây bịt các căn hộ tại tầng 17 và 18 không cho sử dụng, hoặc kiến nghị sử dụng chức năng khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Theo Viện khoa học và Công nghệ xây dựng, phương án này đảm bảo an toàn cho công trình cũng như con người khi sử dụng sau này. Đồng thời đáp ứng được phần diện tích công trình sai phạm không được sử dụng. Phương án thứ hai: Tiến hành chống đỡ dầm chuyển tầng 3 (khu vực giữa dầm) sau đó phá dỡ lần lượt hai tầng vi phạm 17 và 18. Tiếp theo, thi công dầm treo ở sàn tầng 17 có kích thước theo tính toán để đảm bảo an toàn và chịu lực. Sau khi hệ thống bê tông đạt được cường độ yêu cầu, tháo dỡ hệ thống chống đỡ dầm chuyển. Sau khi tháo dỡ có khả năng phải gia cường dầm chuyển tầng 3 và các dầm biên.
Để đảm bảo tuyệt độ an toàn cho công trình sau khi tháo dỡ, Ủy ban quận Ba Đình dự kiến tổ chức buổi làm việc với Viện khoa học và Công nghệ xây dựng để tính toán, lựa chọn phương án tối ưu.
Trả lời Báo chí, diện Công ty May Lê Trực cũng đồng thời khẳng định, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt. Việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định.
Trong khi giấy phép này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
Trong khi đó theo cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, dự án 8B Lê Trực có sai phạm so với giấy phép xây dựng được cấp và hiện đã tiến hành tháo dỡ một số diện tích sai phạm. Vụ việc này đã kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người mua nhà tại dự án cũng như khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng lao đao về kinh tế. Trong khi đó mong muốn lớn nhất của người mua nhà tại dự án là muốn sớm kết thúc sự việc để họ có thể về được ngôi nhà của mình đã bỏ tiền ra cho chủ đầu tư xây dựng.
Theo ANTT