(ĐSPL) – Bà ngoại ra trường góp ý với cô giáo thì thấy tiếng cháu khóc thét trong nhà vệ sinh, chân tay co ro ngồi dưới đất và hai thái dương ửng đỏ.
Sự việc xảy ra với cháu Nguyễn Nguyên V. (18 tháng tuổi) theo học tại trường Mầm non Sóc Nhí (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cô giáo được nói đến là Phùng Thị Yến (23 tuổi).
Theo trình bày của chị N.T.K (dì ruột của cháu V.), thời gian vừa qua, sau khi đi học về, cháu V. có những biểu hiện bất thường như mỗi khi thay quần áo là khóc thét, thường xuyên lườm, chỉ tay với những người trong nhà và gia đình chỉ nghĩ cháu V. thay đổi tâm lý khi đi học.
Tuy nhiên, ngày 18/11 khi ông bà ngoại theo dõi cháu V. qua camera thì thấy cô giáo đút cho cháu ăn liên tục khiến cháu bị trớ. Cô kéo cháu ra ngoài và cho bé khác ăn. Sau đó lại kéo cháu vào nhà vệ sinh.
Bản kiểm điểm về sự việc xảy ra của chủ cơ sở mầm non Sóc Nhí. |
Bà ngoại cháu thấy thế ra trường góp ý để cô không thô bạo như vậy thì bất ngờ thấy tiếng cháu khóc thét trong nhà vệ sinh, chân tay co ro ngồi dưới đất và hai thái dương ửng đỏ.
Liên quan đến sự việc trên, bà Nguyễn Thị Hà Phương – Phó chủ tịch UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xác nhận sự việc xảy ra trên địa bàn và cho hay, ngay sau khi biết vụ việc xảy ra phường đã thành lập tổ kiểm tra xuống ngay trường Mầm non Sóc Nhí, yêu cầu chủ lớp và cô Phùng Thị Yến viết tường trình và báo cáo rõ sự việc.
Cháu V. bị đánh đỏ hai thái dương. |
“Xảy ra sự việc này, chúng tôi cũng vô cùng bức xúc vì bản thân tôi nghĩ đã chọn nghề này thì cô phải lấy tâm làm gốc, không thể nóng giận mà đánh các con được. Sự việc này, UBND phường Khương Đình cũng đã trực tiếp báo cáo lên Phòng giáo dục và đào tạo quận Thanh Xuân”, bà Phương cho hay.
Theo bản tường trình, cô Phùng Thị Yến viết như sau: “Ngày 18/11, vào bữa ăn trưa của các cháu trường mầm non Sóc Nhí, tại lớp Chích Bông, tôi đã phụ trách cho cháu N.N.V ăn. Khi ăn 15 phút, cháu có biểu hiện trớ thức ăn ra ngoài. Tuy thế, tôi cố gắng nịnh không để cháu trớ thức ăn nữa. Thế nhưng, cháu vẫn cố tình trớ ra nên tôi đã phạt cháu bằng cách cho cháu ra ngoài cửa đứng.
Sau khi ra ngoài cửa đứng thì cháu khóc, thấy thế, tôi gọi cháu vào ghế ngồi và tiếp tục cho cháu ăn. Cháu ăn được 2-3 thìa thì lại tiếp tục ho và trớ thức ăn ra ngoài. Lúc này, do nóng tính và không kiểm soát được nên tôi đã đưa cháu ra ngoài cửa và tát cháu 2 cái vào 2 bên thái dương.
Tiếp đó tôi đưa cháu vào nhà vệ sinh và quay ra lấy quần áo thay cho V. thì bà ngoại của cháu đến và bế cháu ra công an phường”.
Cũng trong sự việc này, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Chủ lớp Mầm non Sóc Nhí cho hay, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cùng gia đình đưa cháu V. đi bệnh viện kiểm tra và sẽ có trách nhiệm với cháu.
“Hiện tại, tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động với cô Phùng Thị Yến – giáo viên đánh cháu N.N.V”, bà Vân Anh cho biết thêm.
Hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau: – Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định); – Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 98 BLHS quy định); – Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định). Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần. Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý hành vi bạo lực gia đình: hiện nay pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Uỷ ban nhân dân hoặc Công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |